Trong nỗ lực nhằm hạn chế tác động của những thông tin sai lệch đến lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 21/5 tới, Australia đã yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ các thông tin sai lệch.
Trong nửa đầu chiến dịch tranh cử, Ủy ban bầu cử Australia đã yêu cầu các nền tảng xã hội trong đó có Facebook, Instagram, Twitter gỡ bỏ 40 nội dung sai lệch hoặc xuyên tạc về bầu cử. Các nội dung được yêu cầu gỡ bỏ gồm các thông tin xuyên tạc về việc Australia sử dụng máy bỏ phiếu Dominion, các bài đăng khuyến khích bỏ phiếu không chính thức, các tài khoản mạo danh của Ủy ban bầu cử Australia, thông tin sai lệch về quy trình bầu cử như những người bị Covid-19 không được đi bỏ phiếu hay việc sử dụng bút chì để đánh dấu sẽ bị lợi dụng để tẩy xóa...
Một địa điểm bỏ phiếu tại Australia trong cuộc bầu cử năm 2019.
Người phát ngôn của Ủy ban bầu cử Australia cho biết, cơ quan này đang có sự hợp tác tích cực với các nền tảng xã hội nên hầu hết các yêu cầu gỡ bỏ nội dung đều được thực hiện. Người phát ngôn của Ủy ban bầu cử Australia cho hay, đa phần các nội dung được yêu cầu gỡ bỏ là ở trên Facebook và Twitter và hai nền tảng truyền thông này đã xử lý yêu cầu trong vòng 2 ngày. Bên cạnh đó, các nền tảng khác như Instagram, YouTube, và Tiktok cũng đã gỡ một số nội dung theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử.
Người phát ngôn của Ủy ban bầu cử Australia cho rằng, mọi người có quyền tự do thảo luận về các vấn đề chính trị trong đó có cả hệ thống bầu cử tuy nhiên khi xuất hiện các thông tin sai lệch và xuyên tạc về quá trình này có thể ảnh hưởng đến lá phiếu của cử tri thì sẽ phải can thiệp.
Ông Josh Machin, người đứng đầu bộ phận chính sách của Meta tại Australia, công ty sở hữu mạng xã hội Facebook cho biết, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm nay, công ty đã triển khai nhiều bước đi nhằm chống lại các thông tin sai lệch tại Australia như hợp tác với bên thứ 3 để kiểm chứng thông tin và triển khai chiến dịch để giúp mọi người xác định được các thông tin sai lệch và báo cáo. Meta cũng đồng thời dán nhãn các thông tin không chính xác, hạn chế việc chia sẻ các nội dung có vấn đề trên trang tin tức của từng cá nhân. Meta cho biết công ty này thường xử lý các yêu cầu về nội dung trong vòng 24h giờ.
Ngày 21/5 tới đây, khoảng 17 triệu cử tri Australia sẽ bỏ phiếu bầu 151 nghị sỹ tại Hạ viện và 40 nghị sỹ tại Thượng viện. Ủy ban bầu cử Australia đang nỗ lực ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và xuyên tạc trên mạng xã hội để hạn chế tác động của các thông tin này đến lá phiếu của cử tri./.
Theo Việt Nga/VOV-Australia
https://vov.vn/the-gioi/australia-go-bo-cac-thong-tin-sai-lech-tren-mang-xa-hoi-truoc-bau-cu-post941429.vov