Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau, đây là nội dung được các cấp ủy, chính quyền huyện Lập Thạch thực hiện và coi đây là chìa khóa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Với phương châm đổi mới tư duy từ nền hành chính quản lý sang hành chính phục vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, huyện Lập Thạch đã và đang thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, tích cực triển khai các bước xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện bộ phận một cửa cấp xã của huyện Lập Thạch đã cung cấp thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; triển khai 134 dịch vụ công cấp huyện, cấp xã theo mức độ 3, 4; 100% bộ phận một cửa cấp xã hoàn thành việc khai báo, kết nối với Cổng dịch vụ công tỉnh Vĩnh Phúc, cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính khi giải quyết thủ tục hành chính.
Với mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, đồng bộ, chuyên nghiệp, năm 2022, Huyện ủy Lập Thạch đã thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các các cơ quan, đơn vị chuyên môn và UBND các xã, thị trấn về thực hiện một số nội dung theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông như: 100% hồ sơ giải quyết trên môi trường mạng; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3,4 phải đạt trên 30%; 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, thời gian tới, huyện Lập Thạch sẽ đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát việc thực hiện cải cách hành chính, tập trung thực hiện công khai và giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành để trao đổi, gửi, nhận thông tin bằng thư điện tử, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công./.
Thanh Tùng