Cập nhật: 19/05/2022 09:23:00
Xem cỡ chữ

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức cuối năm 2021, trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa. Trong đó, hạn chế, yếu kém nổi bật là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Thấm nhuần và cụ thể hóa sâu sắc, toàn diện, đồng bộ tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.Tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phát triển kinh tế chính là tạo tiền đề vật chất cho sự phát triển văn hóa và con người, tạo điều kiện để con người có thể tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất, truyền bá và thụ hưởng các giá trị văn hóa. Với mục tiêu con người là trung tâm của sự phát triển, người dân phải được hưởng thành quả của sự phát triển, Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án và Nghị quyết “Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận việc làm và được thụ hưởng các thành quả phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần; bảo đảm cung cấp phúc lợi và các dịch vụ xã hội.

 Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

           Chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hơn hai năm qua, nhưng Vĩnh Phúc luôn tận dụng mọi thời điểm phù hợp để khôi phục và phát triển kinh tế. Ngay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tỉnh đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, linh hoạt vận dụng Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục phát triển kinh tế xã hội.Vĩnh Phúc đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác của UBND tỉnh về phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đầu tiên thành lập và phát huy có hiệu quả vai trò Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh, hướng dẫn trực tiếp và tham mưu tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, đem lại sự hài lòng cho doanh nghiệp. Những nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc đã đem lại trái ngọt. Sau nhiều năm nằm ngoài Top 10 thì năm 2021, Vĩnh Phúc đã trở lại với vị trí cùng các địa phương Top đầu của cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Vị trí top 5 PCI năm 2021 là một phần thưởng rất lớn mà cộng đồng doanh nghiệp dành cho chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của tỉnh.

Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận Kỷ niệm chương và Giấy Chứng nhận địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc Top 10 Việt Nam trong năm 2021.

Cùng với nhiều chủ trương linh hoạt, đột phá trong phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Đặc biệt, quan tâm đến phát triển văn hóa nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Quan tâm đến các hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần để Vĩnh Phúc thực sự là nơi đáng sống

Ngày 29/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định ban hành Quy chế văn hóa công vụ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy, trung thực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và xã hội.

Với mục tiêu lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại mà còn quan tâm đến các hoạt động văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần để Vĩnh Phúc thực sự là nơi đáng sống với mỗi người dân.

“Hội sách kết nối tri thức” tổ chức tại tiền sảnh bên trong Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 29-4 đến 8-5. 

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năm nay người dân Vĩnh Phúc được tận hưởng kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trọn vẹn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, hấp dẫn. Đó là không gian sách và trưng bày văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc tại Nhà hát tỉnh; nhiều hoạt động văn hóa đa dạng như: xem phim cùng nhân dân, tuần lễ chiếu phim chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; các buổi nói chuyện chuyên đề truyền cảm hứng, thúc đẩy, lan tỏa phong trào đọc sách. Các hoạt động đó nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại mà Vĩnh Phúc hướng đến.

 Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm quan không gian sách và trưng bày văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc. 

Hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững

Những nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế song hành với phát triển văn hóa không ngừng được tỉnh khôi phục sau đại dịch. Gần đây nhất, đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi đối thoại với hơn 1.000 đoàn viên thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc, giải đáp vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên sau khi ra trường, việc trang bị kiến thức, bảo vệ thanh niên trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng; xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe cho thanh niên thiếu niên.

Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với ĐVTN tỉnh Vĩnh Phúc

Từ nhận thức phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", từ ngày 15/3/2022, Vĩnh Phúc đã mở cửa hoàn toàn du lịch trong tình hình mới. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, trên 80 nghìn lượt khách đến thăm quan và du lịch tại Vĩnh Phúc. Ngành du lịch Vĩnh Phúc đã nhanh chóng phục hồi và phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện cho du khách trong nước và quốc tế.

Du khách đến Tam Đảo dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2022

Sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang được tổ chức tại Việt Nam đó là SEA Games 31. Là một trong 12 tỉnh, thành được chọn để tổ chức các môn thi đấu của SEA Games 31, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đăng cai 2 môn là Muay và Golf. Đây là cơ hội thuận lợi để Vĩnh Phúc quảng bá giá trị văn hóa nói chung, du lịch nói riêng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các vận động viên Thái Lan, Indonesia, Malaysia đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng nội dung đơn nữ môn Golf tại SEA Games 31. 

Vận động viên Huỳnh Hoàng Phi (áo đỏ) đội tuyển Muay Việt Nam xuất sắc giành chiến thắng trước đối thủ đến từ Cam-pu-chia ở hạng cân 54kg nam

Sự quan tâm phát triển văn hóa đã được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai bằng nhiều hành động thiết thực, kịp thời, đúng thời điểm, để văn hóa luôn song hành và phát triển cùng kinh tế. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tỉnh cũng nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển trên lĩnh vực văn hóa thời gian qua, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Một trong những hạn chế đó là văn hóa chưa được một số địa phương nhận thức một cách sâu sắc và quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển. Các lĩnh vực văn hoá chưa phát triển đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu, thực chất.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện về vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hóa.Vĩnh Phúc luôn xác định Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển, như Bác Hồ đã nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"!./.

 Hương Mơ