Cập nhật: 26/05/2022 09:23:00
Xem cỡ chữ

Những tháng đầu năm 2022, mặc dù tiếp tục phải chịu ảnh hưởng từ những diễn biến của dịch Covid-19, song nhờ linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, sự chủ động quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm, được đánh giá là có mức tăng trưởng cao so với bình quân chung cả nước. Đây sẽ là tiền đề để Vĩnh Phúc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng “leo thang”. Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng đã tác động nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế. Triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 28 với 8 nhóm nhiệm vụ chung và giao chi tiết các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Ngay trong tháng 1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2022; giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội và 141 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, huyện thành phố. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vacxin trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Minh chứng rõ nhất thể hiện sự điều hành quyết liệt, sáng tạo của các cấp chính quyền, sự thích ứng, vận hành linh hoạt của các thành phần kinh tế, đó là từ đầu năm đến nay, hầu hết chỉ số kinh tế của tỉnh đều tăng. Kết thúc quý I năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,89% , cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 5,03%, đứng thứ 13 trong 63 tỉnh, thành phố. Tình hình sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Trong 4 tháng liên tiếp tính từ đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ghi nhận mức tăng 2 con số so với tháng cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tăng 14,59% so với cùng kỳ 2021. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã xây dựng kịch bản và thực hiện sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh phát sinh, chủ động khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh.

Công tác chăm sóc, đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư vượt qua khó khăn được tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời. Nhờ đó, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, là điểm đến an toàn, lý tưởng, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều đó thể hiện bởi sự quay trở lại ngoạn mục ở vị trí thứ 5 của Vĩnh Phúc trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố dựa trên khảo sát từ hơn 11.300 doanh nghiệp trên cả nước.

Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án DDI với tổng vốn đăng ký hơn 7.700 tỷ đồng và 24 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 210 triệu USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn về thu hút đầu FDI với 22/24 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lũy kế đến thời điểm này, toàn tỉnh có 426 dự án đầu tư còn hiệu lực gồm 86 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 22 nghìn tỷ đồng và 340 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ USD.

Hoạt động thị trường thông thoáng, các dịch vụ mở cửa trở lại là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế. 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 19.700 tỷ đồng, tăng 2,77% so với cùng kỳ. Tính đến 15/4/2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 4,83% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ lớn từ nguồn vốn tín dụng, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 4 năm 2022, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 111.500 tỷ đồng, tăng 9,27% so với năm 2021. Kết quả này cho thấy sự hồi phục rõ ràng của nền kinh tế. Quá trình vực dậy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khiến nhu cầu về vốn cũng tăng cao.

Thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay ưu đãi trên 980 khách hàng với số tiền trên 43,1 tỷ đồng. Trong đó, 40 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 1,9 tỷ đồng cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến theo quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ; 1,2 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Vĩnh Phúc cũng xây dựng kế hoạch phục hồi ngành du lịch. Ngay sau khi mở cửa trở lại, Vĩnh Phúc đã tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa, du lịch có quy mô lớn, đặc sắc, hấp dẫn tại Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo, Khu du lịch Đại Lải thu hút lượng lớn khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Nhờ đó, sau thời gian gần như đóng băng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch của tỉnh đã có những dấu hiệu khởi sắc. 4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đón 1,5 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách quốc tế là 17.000 nghìn lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 915 tỷ đồng. Việc khách du lịch tăng dần trở lại là tín hiệu tích cực, góp phần sớm khôi phục và đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện cho du khách trong nước và quốc tế.

Kinh tế của Vĩnh Phúc đang phục hồi một cách mạnh mẽ và hứa hẹn sẽ tiếp tục bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Điều này không chỉ thể hiện những quyết sách đúng đắn của tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế, mà còn cho thấy sự thống nhất, đồng lòng của các cấp, các ngành, đặc biệt là nhân dân trong công cuộc khôi phục kinh tế sau hơn hai năm chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Để kinh tế phát triển, Vĩnh Phúc đang tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp đảm bảo tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững. Trong đó, yêu cầu các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là vướng mắc về thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ các dự án dự kiến hoàn thành trong năm; tăng cường các hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh./.

Phương Liên