Cập nhật: 13/07/2022 09:17:00
Xem cỡ chữ

Chuyển đổi số được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là động lực phát triển toàn diện của tỉnh, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Trên cơ sở các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa số hóa vào từng khâu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực quản lý với quyết tâm cao nhất là đưa Vĩnh Phúc nằm trong tốp 15 các tỉnh, thành phố về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Tại huyện Vĩnh Tường, việc ứng dụng chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực bước đầu đã đạt những kết quả khả quan, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn đều được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt 100% cán bộ, công chức có tài khoản và sử dụng thư điện tử công vụ làm việc trên môi trường mạng; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số để chỉ đạo, điều hành công việc kịp thời, hiệu quả mọi lúc, mọi nơi. Hiện hệ thống hội nghị trực tuyến cũng đã được kết nối liên thông đến 100% các xã, thị trấn, giúp công tác lãnh, chỉ đạo được kịp thời, hiệu quả hơn.

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đổi mới tư duy, đẩy mạnh ứng dụng số trong sản xuất, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện có khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp đang thực hiện ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao trong sản xuất và quản lý, hơn 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử; nhiều hợp tác xã đã chủ động chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và thông tin về sản phẩm qua mạng xã hội, đồng thời, xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh gần như không còn đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nào đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả.

Quá trình chuyển đổi số còn rất nhiều việc phải làm nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mục tiêu trở thành một trong 15 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số của Vĩnh Phúc sẽ sớm được hiện thực hóa./.

Tạ Hương