Cập nhật: 03/08/2022 09:18:00
Xem cỡ chữ

Rút ngắn quy trình xử lý; giảm số lượng, đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ; giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, là những mục tiêu mà UBND Thành phố Vĩnh Yên đặt ra nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian gần đây.

Để làm tốt nội dung này, thành phố Vĩnh Yên đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều phần mềm quản lý trong điều hành, giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, thiết lập nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính là nơi hàng ngày đón tiếp hàng trăm người dân đến giao dịch. Nhằm phục vụ tốt cho người dân đến làm việc tại Trung tâm Hành chính công, thành phố Vĩnh Yên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Chị Nguyễn Thị Thúy, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên đến đăng kí giấy phép kinh doanh để mở một cửa hàng tạp hóa. Sau khi lấy số thứ tự, và chọn lĩnh vực mình muốn giải quyết, thay vì phải chờ đợi và điền vào đơn như trước, chị đã được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn đăng kí trực tiếp qua cổng dịch vụ công, qua đó chị có thể theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của mình.

Với việc nộp hồ sơ trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công, người dân và doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ mọi lúc mọi nơi mà không cần chờ đợi. Bên cạnh đó, cũng giúp minh bạch hoá triệt để việc xử lý hồ sơ của cơ quan hành chính Nhà nước, tránh phiền hà cho người dân.

Hiện thành phố Vĩnh Yên đang cung cấp 44 danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó cấp thành phố có 39 danh mục, cấp xã, phường 5 danh mục và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tích cực hướng dẫn và khuyến khích người dân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến. Mặt khác, cán bộ bộ phận một cửa thành phố cũng tích cực ứng dụng tiện ích Zalo trong việc trao đổi, thông báo tình trạng và kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, đi lại của người dân, tổ chức.

Có thể thấy, việc chuyển đổi số trong cải cách hành chính là chỉ số đo lường quan trọng, trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Việc sử dụng kỹ năng số, hướng dẫn và hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, luôn cần được chú trọng, nhằm năng cao số lượng và hiệu quả xử lý hồ sơ./.

Vũ Hằng