Cập nhật: 03/08/2022 09:29:00
Xem cỡ chữ

Trong 6 tháng qua, lĩnh vực kinh doanh thương mại đã áp dụng nhiều hình thức thanh toán điện tử, nhằm phát triển thị trường bán lẻ, kích cầu tiêu dùng. Qua đó, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 30.430 tỷ đồng, tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới với 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; 55% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 6.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Đặc biệt, xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển thương mại, dịch vụ, ngành Công Thương Vĩnh Phúc đã tập trung tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh và tích cực cung cấp các dịch vụ hiện đại như: Đi chợ online, mua hàng qua ứng dụng, giao nhanh miễn phí. Nhằm gia tăng lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu mua sắm trong thời đại công nghiệp 4.0, phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10,8% và đưa Vĩnh Phúc nằm trong top 15 cả nước về chỉ số phát triển thương mại điện tử./.

Vũ Hằng