Cập nhật: 08/08/2022 10:35:00
Xem cỡ chữ

Sáng 8/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.

Thúc đẩy chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả ảnh 1

(Ảnh: TRẦN HẢI)

Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng ở các ngành, địa phương. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hòi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, tránh dàn trải. Các bộ, ngành, địa phương cần chấm dứt tình trạng dàn trải, kéo dài, đội vốn.

Thúc đẩy chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả ảnh 2

(Ảnh: TRẦN HẢI)

Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, các bộ, ngành, một số doanh nghiệp phối hợp tốt nhằm khai thác các dữ liệu cơ bản dùng chung.

Theo Kế hoạch hoạt động, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sẽ họp định kỳ hằng quý và hôm nay chúng ta thực hiện Phiên họp lần thứ 3 để đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới.

Trong Phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các đồng chí thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua (tinh thần là không tô hồng cũng không bôi đen); lưu ý đánh giá cả những nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban và những nhiệm vụ được giao tại Phiên họp lần trước.

Thời gian có hạn, nội dung công việc nhiều, yêu cầu cao, Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên Ủy ban và các đại biểu báo cáo, ý kiến phát biểu ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, rất đáng trân trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao thành tựu này, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại để các cấp, các ngành tăng cường nhận thức, khắc phục để vươn lên mạnh mẽ.

Ghi nhận những kết quả rất tích cực trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, đây mới là kết quả bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng nêu một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ chính như sau:

Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa sức mạnh sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam. Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”, cục bộ, sợ va chạm lợi ích.

Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; tổng kết, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý, bài học hay, cách làm sáng tạo; chỉ rõ, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây.

Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Việc chuyển đổi số được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt vào cuộc.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.

Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lột lọt thông tin. Các địa phương lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế-xã hội.

Rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho việc phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao.

Khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết/chỉ thị/văn bản về chuyển đổi số theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp việc triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, và các ý kiến chỉ đạo; liên tục đôn đốc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc; có nhiệm vụ định tính, định lượng; nhiệm vụ định lượng phải cân đong đo đếm được, phải luôn cập nhật kịp thời tiến độ, kết quả thực hiện. Khẩn trương phối hợp các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả...

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí vốn đầu tư phát triển cho triển khai chuyển đổi số năm 2023 và đến 2025; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi tình hình đầu tư công của các bộ, ngành.

Bộ Tài chính: chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước cho triển khai chuyển đổi số năm 2023; thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành hải quan, thuế; nỗ lực thu thuế từ dịch vụ ăn uống. Bộ Giáo dục và Đào: trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và lựa chọn thí điểm mô hình tại 5 trường đại học trước ngày 30/8/2022. Nghiên cứu thúc đẩy thành lập khoa mới, chuyên ngành đào tạo mới hoặc cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng theo hàm lượng phù hợp tại các trường đại học, cơ sở giáo dục.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin phải tham gia tích cực vào chuyển đổi số, góp phần để người dân, doanh nghiệp sử dụng thuận lợi.

Văn phòng Chính phủ: chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành theo Quy chế làm việc của Chính phủ.Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt và sớm xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai...

Về tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng qua, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch 85%); tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng là 71,75% (kế hoạch 75%)…

Về hạ tầng số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79Mbps, tăng 32,7% so cùng kỳ năm 2021; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29Mbps, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng 477/832 thôn lõm sóng viễn thông.

Về nền tảng số, 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số…

Theo THANH GIANG; Ảnh: TRẦN HẢI/nhandan.vn

https://nhandan.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-co-trong-tam-trong-diem-thuc-chat-va-hieu-qua-post709330.html