Cập nhật: 21/09/2022 09:24:00
Xem cỡ chữ

Trong quá trình phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển KT-XH, trong đó có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn.

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương trong giai đoạn hiện nay. Nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, Vĩnh Phúc luôn chú trọng đến công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở các ngành, địa phương trong tỉnh hiện nay vẫn còn thiếu và yếu, toàn tỉnh có 116 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, trong đó 08 người có trình độ thạc sĩ, 97 người có trình độ đại học, 11 cao đẳng và trung cấp. Trong đó, số cán bộ chuyên trách có chuyên môn đúng về công nghệ thông tin chiếm dưới 75%, trên 25% có chuyên môn gần về công nghệ thông tin hoặc chuyên môn khác nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực CNTT hiện phân bố không đều, cấp tỉnh khoảng 58% số cơ quan, đơn vị có cán bộ chuyên trách; cấp huyện có 67% số cơ quan, đơn vị có cán bộ chuyên trách; cấp xã có 7% số xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách. Hơn nữa, số lượng nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan trong hệ thống chính trị có xu hướng giảm dần và công tác tuyển dụng nhân lực rất khó khăn.

Để thu hút, giữ chân được nhân lực công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2022 xem xét, ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh./.

Thanh Thúy