Cập nhật: 24/09/2022 09:16:00
Xem cỡ chữ

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 71/2019 quy định về cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với di tích quốc gia đặc biệt, ngân sách nhà nước đầu tư 100% kinh phí theo dự án được duyệt. Đối với di tích cấp tỉnh, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí tu bổ đối với hạng mục kiến trúc gốc của di tích, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 10% kinh phí tu bổ đối với hạng mục kiến trúc gốc của di tích. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 71/2019 đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.

Đình Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường được công nhận di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2020. Đình thờ Lân Hổ Hầu đô thống Đại Vương - một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam vào thế kỷ XII. Đình được xây dựng thời Hậu Lê, thế kỷ XVII với quy mô đồ sộ, kiến trúc bố cục hình chữ đinh gồm 2 tòa đại đình và hậu cung. Trải qua thăng trầm của lịch sử nhiều hạng mục của Đình Thổ Tang đã xuống cấp.

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đình Thổ Tang, tháng 2/2022, trên cơ sở quyết định của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Đình Thổ Tang được hạ giải, trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng do 100% ngân sách nhà nước thực hiện. Toàn bộ quá trình tiến hành trùng tu, tôn tạo đều thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Đền Ngòi được công nhận dich tích lịch sử Quốc gia năm 1994, Đền thờ nữ tướng Lê Thị Ngọc Chinh thời Hai Bà Trưng người có công đánh đuổi giặc Đông Hán. Trước đây, khi chưa được trùng tu, tôn tạo, trải qua thăng trầm, Di tích lịch sử quốc gia Đền Ngòi đã xuống cấp nghiêm trọng, cảnh quan, sân vườn trật hẹp. Sau khi được trùng tu, tôn tạo Đình Ngòi nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác rà soát, đề xuất nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án đối với 23 di tích nằm trong danh mục hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 71/2019 quy định về cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2021 đến năm 2025 dự kiến khoảng 300 tỷ đồng, từ nguồn đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021-2025; phần còn lại dự kiến khoảng 400 tỷ, từ nguồn ngân sách cấp huyện và nguồn vốn xã hội hóa. Có thể thấy việc ban hành Nghị quyết 71/2019 của HĐND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Nguyễn Toàn