Chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã chú trọng ứng dụng công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động quản lý và công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Là đơn vị tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số của ngành Y tế, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc đã chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn để đáp ứng sự đổi mới; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Trong đó, từng bước triển khai và nâng cấp Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về quản lý bệnh viện, chia sẻ dữ liệu và thanh, quyết toán với cơ quan BHXH. Đồng thời, ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS thay thế cho in film; hệ thống xét nghiệm kết nối hai chiều bảo đảm việc liên thông dữ liệu cận lâm sàng.
Dữ liệu hình ảnh được lưu trữ trên hệ thống, có thể truy cập, kiểm tra khi cần thiết; kết quả xét nghiệm cũng được xử lý nhanh chóng thuận tiện, tránh trường hợp sai sót và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện.
Hiện nay, 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện với nhiều tiện ích như đăng ký KCB bằng hệ thống máy lấy số tự động, gọi tên người bệnh theo thứ tự; quản lý đơn thuốc. 100% cơ sở y tế đã thực hiện kết nối dữ liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT; triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế điện tử, không dùng tiền mặt.
Đồng thời, áp dụng triệt để việc chuyển đổi số trong kết nối trực tuyến để đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, theo kiểu cầm tay chỉ việc, đặc biệt là hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó, thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh góp phần làm giảm áp lực về hồ sơ bệnh án, lưu trữ thông tin báo cáo; giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, tránh chồng chéo trong cấp phát thuốc; tăng hiệu quả, hiệu lực cho công tác quản lý; đảm bảo tính khách quan, công bằng, tăng tỷ lệ hài lòng cho người bệnh khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe./.
Thu Hoài