Cập nhật: 12/10/2022 09:17:00
Xem cỡ chữ

Dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi xu hướng tiêu dùng hiện nay. Các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động mua bán, quản lý hàng hóa và xem đây là xu hướng tất yếu, “chìa khóa” quan trọng giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Là doanh nghiệp chuyên phân phối văn phòng phẩm, bảo hộ lao động, doanh nghiệp này cho biết, dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của đơn vị. Từ việc chỉ bán hàng trực tiếp thì nay tất cả các mặt hàng đều được đưa lên sàn giao dịch điện tử thông qua webside của công ty, và các mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok nhằm tăng tương tác và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, lượng hàng hóa tiêu thụ qua kênh online đã tăng lên đáng kể, chiếm đến 60% tổng doanh số bán hàng.

Cùng với đó, nhiều giải pháp công nghệ khác cũng được các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong tỉnh áp dụng như thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng phần mềm quản trị bán hàng, hóa đơn điện tử..., mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người bán và người mua.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, hướng tới phát triển nền kinh tế số, Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số như: chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số; thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng nền tảng mã địa chỉ bưu chính VPostcode trong hoạt động thương mại điện tử và logistic... Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh đạt trên 10%; đồng thời có trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, trên 80% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử./.

Phương Liên