Đột quỵ, căn bệnh nguy hiểm đang gia tăng trong cộng đồng và ngày càng trẻ hóa. Bác sĩ khuyến cáo, điều chỉnh lối sống và chủ động kiểm soát các nguyên nhân gây bệnh, mỗi người có thể giảm được 80% nguy cơ đột quỵ.
Ước tính mỗi năm tại Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ. Những người bị đột quỵ nặng nếu may mắn qua được nguy kịch cũng để lại di chứng nặng nề về trí não và vận động. Nạn nhân của bệnh đột quỵ đang trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Đáng báo động hơn, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Nếu trước đây, người đột quỵ hầu hết là trên 50 tuổi thì hiện nay nhiều bệnh nhân đột quỵ mới ngoài 30 tuổi, đặc biệt có những trường hợp trên dưới 20 tuổi.
Một trường hợp đột quỵ được chuyển viện cấp cứu bằng trực thăng
Trước thực trạng trên, ngày 15/10, Bệnh viện Quân y 175 đã tổ chức buổi tư vấn trực tiếp cho người bệnh và thân nhân đang điều trị tại bệnh viện về sự nguy hiểm và giải pháp phòng ngừa, điều trị bệnh đột quỵ.
Thiếu tá, Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là một nhóm bệnh lý của mạch máu não. Nhồi máu não là loại đột quỵ thường gặp nhất, trong đó mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn gây thiếu máu nuôi làm chết các tế bào não, từ đó gây hậu quả tàn phế nặng nề, đây cũng là nguy cơ gây tử vong hàng đầu cho người bệnh.
Chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh đột quỵ, Trung tá, Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa, Phó chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Ngoài yếu tố bệnh lý bẩm sinh, tim mạch thì tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia là các yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đột quỵ”.
BS Mỹ Hòa chia sẻ về các yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh đột quỵ trong cộng đồng
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nhưng cộng đồng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng các giải pháp đơn giản, ai cũng thực hiện được. Theo BS Mỹ Hòa, với những bệnh nhân chưa đột quỵ mà chỉ có yếu tố nguy cơ thì cần điều chỉnh để phòng ngừa đột quỵ trong tương lai.
Cụ thể, ở nhóm người ít vận động thì tăng cường tập luyện thể dục với 3 đến 4 lần trong tuần, mỗi lần tập 30 đến 45 phút. Với những người hút thuốc lá thì giải pháp tối ưu là nên bỏ thuốc. Những người uống nhiều rượu bia thì nên hạn chế tối đa, mỗi ngày chỉ uống 1 đến 2 lon bia hoặc 2 ly rượu vang.
Nhóm bệnh nhân có bị tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp thì cần nắm rõ các chỉ số đường huyết, mỡ máu, huyết áp của bản thân, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý ngừng sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ và các cơ sở y tế cấp cứu, can thiệp đột quỵ tại TPHCM
Những trường hợp không may đã bị đột quỵ thoáng qua hoặc đột quỵ từng phải nhập viện điều trị, tuyệt đối không nên chủ quan mà cần sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ diễn tiến nặng hơn những lần đột quỵ trước.
BS Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Hiện nay chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể phòng ngừa được bệnh đột quỵ, giải pháp tối ưu nhất là thay đổi lối sống, chủ động điều trị các bệnh lý liên quan đến đột quỵ. Trong đó, thay đổi lối sống từ tăng cường vận động, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học, hạn chế sử dụng các chất kích thích và kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan có thể giúp cộng đồng giảm được 80% nguy cơ dẫn tới bệnh đột quỵ”.
Theo Vân Sơn/ tienphong.vn
https://tienphong.vn/phuong-phap-don-gian-giup-giam-80-nguy-co-dot-quy-post1478423.tpo