Cập nhật: 16/10/2022 07:47:00
Xem cỡ chữ

Theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022, mức cộng điểm ưu tiên để xét tuyển đại học theo khu vực cao nhất là 0,75 điểm. Tuy nhiên từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Đồng thời, điểm ưu tiên sẽ giảm dần khi điểm của thí sinh càng cao.

Chú thích ảnh

Thí sinh đến nhập học tại trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

 Đổi mới trong cách tính điểm ưu tiên

Dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên với các thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2  Điều 7 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Như vậy, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên/3 môn thì điểm ưu tiên sẽ càng giảm và sẽ không có thí sinh nào có điểm xét đại học vượt quá 30 điểm.

Nguyên nhân được Bộ GD&ĐT lý giải là năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở nên thiếu công bằng. Với cách điều chỉnh này nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, cao đẳng.

Theo hướng nào?  

Chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh nhằm tạo sự công bằng  cho các thí sinh giữa các vùng miền khác nhau, đặc biệt ở những vùng có điều kiện tiếp cận giáo dục phổ thông chưa đồng đều.  

Theo thống kê, trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75. Cách tính này cho đến năm kỳ tuyển sinh năm 2022.  

Tuy nhiên, từ năm 2023 cách tính điểm ưu tiên sẽ thay đổi. Nghĩa là điểm thí sinh càng cao thì mức điểm ưu tiên càng thấp. Ví dụ, theo công thức tính trên, điểm thí sinh càng cao thì mức điểm ưu tiên càng thấp. Thí sinh đạt 30 điểm/3 môn thì điểm ưu tiên bằng 0 điểm.  Cách tính điểm này cũng khiến các trường cũng có quan điểm khác nhau.  

Chia sẻ với PV báo Tin tức, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: “Về quy định mới này chúng tôi thấy không đồng tình. Ví dụ, trong một gia đình có hai trẻ sinh đôi, điều kiện như nhau nhưng khi thi có kết quả khác nhau thì cộng điểm cũng khác nhau. Thậm chí, trong một gia đình có những con thi đại học năm trước, năm sau thì cũng có những kết quả khác nhau trong trường hợp này”.  

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cách tính điểm mới này hợp lý với những ngành, trường có sức cạnh tranh cao và sẽ tuyển được thí sinh sát với năng lực của ngành học. Vì theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì với cách tính điểm cũ thì cộng điểm ưu tiên quá nhiều sẽ gây tác dụng ngược. Vì thế vẫn cần đưa ra cách tính phù hợp hơn để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh giữa các vùng miền. 

Theo LV/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/giao-duc/doi-moi-cach-cong-diem-uu-tien-trong-tuyen-sinh-dai-hoc-2023-chuyen-gia-noi-gi-20221015112915255.htm