Cập nhật: 21/10/2022 07:54:00
Xem cỡ chữ

Amidan là 1 trong những cơ quan miễn dịch của cơ thể, gồm có 2 mô hạch lympho nằm trong khoang họng. Amidan có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi trùng, hoạt động mạnh từ 4 - 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm dần.

Nguyên nhân gây viêm amidan ở trẻ

Viêm amidan là tình trạng viêm cấp gây sung huyết thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi. Cần lưu ý, viêm amidan do liên cầu khuẩn có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng. Đây là bệnh dễ chẩn đoán, thời gian bị bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Viêm amidan có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu lây qua đường hô hấp thông qua các tiếp xúc hàng ngày. Tuy nhiên, viêm amidan đa số có nguyên nhân do virus, có khoảng 15 - 30% do vi khuẩn, thường gặp là liên cầu khuẩn nhóm A.

Do amidan ở vùng hầu họng nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập ồ ạt, vì vậy sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan bị sưng, đỏ. Đối với trường hợp amidan bị viêm tái phát nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, thì chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng.

Trẻ bị viêm amidan cấp khi giao mùa cần lưu ý gì? - Ảnh 2.

Viêm amidan là tình trạng viêm cấp gây sung huyết thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi.

Biểu hiện viêm amidan ở trẻ

Khi mắc viêm amidan cấp trẻ có biểu hiện sốt đột ngột và đây là dấu hiệu khởi phát kèm theo tình trạng trẻ mệt mỏi, uể oải, nhức đầu, chán ăn… Chính vì vậy, dễ nhầm lẫn với cảm cúm hoặc các bệnh thông thường khác.

Do viêm nhiễm viêm amidan nên trẻ sẽ có biểu hiện đau rát họng, nuốt vướng, cản trở việc ăn uống. Biểu hiện tiếp theo trẻ có dấu hiệu ngạt mũi, chảy nước mũi. Hô hấp cũng bị ảnh hưởng khi tổ chức amidan bị viêm nên trẻ sẽ khó thở, ngáy to vào ban đêm và đường thở bị cản trở là điều có thể dễ nhận thấy.

Nếu không được điều trị, trẻ mắc viêm amidan cấp có thể tiến triển thành mạn tính và gây ra biến chứng nguy hại như: Áp-xe quanh amidan, viêm amidan do liên cầu khuẩn dẫn đến nổi ban, nổi hạch, nhịp tim nhanh, thậm chí có thể viêm màng ngoài tim cấp, viêm cơ tim, viêm nội mạc tim, các bệnh về viêm khớp, viêm cầu thận… Chính vì vậy, việc điều trị đúng và cách chăm sóc cần được chú trọng.

Trẻ bị viêm amidan cấp khi giao mùa cần lưu ý gì? - Ảnh 3.

Viêm amidan có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu lây qua đường hô hấp thông qua các tiếp xúc hàng ngày. Ảnh minh hoạ.

Trẻ viêm amidan cấp cần chăm sóc đúng

Ngoài việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, khi trẻ bị viêm amidan cấp, cha mẹ cần chú ý những điều sau để chăm sóc, điều trị bệnh cho trẻ hiệu quả.

- Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu trẻ sốt cao có thể hạ sốt bằng Paracetamol liều lượng theo cân nặng và hướng dẫn của thầy thuốc. Để giảm sốt cần kết hợp với lau mát bằng nước ấm, mặc đồ thông thoáng cho trẻ và bổ sung uống nhiều nước, giúp cho cơ thể hạ sốt và không mất nước.

- Do sốt và đau hầu họng nên trẻ sẽ quấy khóc, ăn kém, vì vậy cha mẹ nên cho ăn thức ăn lỏng dễ nuốt như sữa hoặc cháo, không nên nài ép trẻ.

- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, súc họng bằng nước muối ấm vài lần trong ngày có thể giúp làm giảm đau họng. Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, nên ở nhà cho tới khi không còn sốt và cảm thấy khỏe hơn.

Tóm lại: Viêm amidan là vấn đề hay gặp ở trẻ, để phòng biến chứng cho trẻ, cha mẹ cần chú ý nếu phát hiện thấy các dấu hiệu viêm nhiễm, sốt cao, sốt kéo dài... cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.

Những trẻ hay ốm vặt, trẻ có sức đề kháng kém, có cơ địa dị ứng bởi ô nhiễm môi trường... sẽ là nguyên nhân của nhiều bệnh về tai mũi họng như viêm amidan, vì vậy cần chú ý đến giữ vệ sinh môi trường sống.

Khi có các bệnh lý mũi họng như viêm V.A, viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm răng miệng… cần phải điều trị triệt để. Điều này sẽ hạn chế virus, vi khuẩn phát triển làm giảm sức đề kháng cũng như lây lan sự viêm nhiễm sang các bộ phận khác.

Theo BS Nguyễn Thị Bích/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/tre-bi-viem-amidan-cap-can-luu-y-gi-khi-giao-mua-169221017084149214.htm