Cập nhật: 24/10/2022 09:07:00
Xem cỡ chữ

Trên thế giới, hàng năm có khoảng 14 triệu bệnh nhân đột quỵ mới mắc và 6 triệu người tử vong do đột quỵ. Bệnh khiến cho hơn 80 triệu người sống trong tình trạng tàn phế. Còn tại nước ta, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã vượt qua bệnh tim mạch.

Tại hội nghị Khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan lần thứ IX tổ chức tại Hà Nội ngày 22 và 23/10, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đã chia sẻ những thông tin và nghiên cứu mới nhất về cấp cứu, điều trị và dự phòng đột quỵ cũng như các bệnh thần kinh liên quan.

GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân trong xã hội khiến cho tỷ lệ đột quỵ ngày càng tăng lên. Trong những năm qua, Hội Đột quỵ Việt Nam cũng đã tư vấn cho Bộ Y tế về công tác thông tin, tuyên truyền trong cộng đồng về căn bệnh này, những nguy cơ báo động đột quỵ, yếu tố nguy cơ và công tác dự phòng. Tuy nhiên, các thông tin cũng chưa thể đến hết với người dân. Chính vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân về các phòng tránh cũng như nhận thức được thế nào là thời gian vàng đến đến các cơ sở y tế để kịp thời can thiệp điều trị”.

Dot quy gay tu vong va tan phe hang dau tai nuoc ta hinh anh 1

GS.TS Nguyễn Văn Thông- Chủ tịch Hội Đôt quỵ Việt Nam.

Hiện nay, bệnh đột quỵ đang gia tăng theo xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Đây là căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng và để lại di chứng nặng nề nếu không kịp thời phát hiện, có xử trí ban đầu đúng và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế.

TS Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam cho rằng, một mạng lưới hệ thống các trung tâm có khả năng điều trị đột quỵ là vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Hội Đột quỵ Việt Nam cũng đã hỗ trợ để phát triển nhiều các trung tâm điều trị đột quỵ ở các địa phương để bệnh nhân được điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất các di chứng của đột quỵ.

“Hộị nghị lần này có hơn 50 báo cáo đến từ các bác cáo viên trong nước và quốc tế cập nhật các nghiên cứu, hướng dẫn điều trị; các chiến lược xử trí tình huống khó khăn; thực trạng điều trị và gánh nặng đột quỵ trong nước. Đặc biệt là các báo cáo cập nhật mới nhất về các nghiên cứu của các giáo sư hàng đầu quốc tế về liệu pháp mạch máu – thần kinh trong đột quỵ; về bảo vệ thần kinh và phục hội chức năng”- TS Nguyễn Hồng Quân cho biết.

Dot quy gay tu vong va tan phe hang dau tai nuoc ta hinh anh 2

Để tránh tử vong, giảm di chứng, bệnh nhân phải được điều trị sớm và đúng cách.

Trong hội nghị lần này, các chiến lược điều trị dự phòng, tiên lượng cũng như phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quy cũng là những chủ đề trọng tâm được bàn tới. Bên cạnh đó, chủ đề giáo dục nhận thức cho bệnh nhân và gia đình để hiểu về bệnh đột quỵ để có kiến thức chăm sóc và dự phòng đột quỵ cũng được đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết trong thời gian qua, các cơ sở y tế tại Phú Thọ đã liên tục được Hội đột quỵ Việt Nam và các bệnh viện lớn tuyến trung ương đào tạo các kiến thức chuyên sâu về đột quỵ cũng như cập nhật các kiến thức mới liên quan đến đột quỵ. Năm 2019 tỉnh Phú Thọ đã thành lập được Trung tâm đột quỵ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với 120 giường bệnh với 3 đơn vị trực thuộc: Đơn vị Cấp cứu và Điều trị tích cực Thần kinh Đột quỵ; Đơn vị Điều trị Thần kinh Đột quỵ bán cấp và Đơn vị Phục hồi chức năng Thần kinh Đột quỵ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Ngọc, vì đột quỵ là một bệnh lý phức tạp nên việc cập nhật thường xuyên các phương pháp điều trị mới là rất cần thiết và hội nghị toàn quốc về đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan chính là một sự kiện để các bác sĩ của địa phương được học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

GS.Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cũng mong muốn nước ta sẽ thiết lập được chiến lược thông tin tuyên truyền về đột quỵ để bao phủ thông tin rộng hơn đến mọi người dân, bởi vì hiện nay, tỷ lệ tử vong do đột quỵ còn nhiều hơn nhồi máu cơ tim, đứng thứ hai chỉ sau ung thư. “Muốn giảm được tử vong và khuyết tật do đột quỵ thì bản thân người dân phải có các biện pháp dự phòng như thay đổi thói quen, lối sống theo chiều hướng tích cực, năng vận động, ăn uống khoa học hợp lý, đối với các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…cần kiểm soát tốt bệnh để có thể dự phòng đột quỵ hiệu quả. Đặc biệt đối với người trẻ hiện nay, cũng cần phải lưu ý về lối sống và kiểm tra sức khỏe định kỳ bởi vì tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng”- GS Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh./.

Theo Phương Trang/VOV2

https://vov.vn/suc-khoe/dot-quy-gay-tu-vong-va-tan-phe-hang-dau-tai-nuoc-ta-post979258.vov