Cập nhật: 01/11/2022 09:19:00
Xem cỡ chữ

Thi hành án dân sự là khâu rất quan trọng trong quá trình tố tụng, giúp bản án do Tòa án phán quyết được thực thi, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Chính vì vậy, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhân được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, kéo dài nhiều năm đã được thi hành án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Tính đến năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 22 vụ việc khó khăn, phức tạp chưa được thi hành án. Để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong THADS, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã giao chỉ tiêu cụ thể, trực tiếp cho Bí thư các huyện ủy, Thành ủy các vụ việc THADS có khó khăn, phức tạp; Cục trưởng cục THADS giao chỉ tiêu giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp, nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo cho từng Chi Cục trưởng.

BCĐ Thi hành án dân sự tỉnh yêu cầu các địa phương có vụ việc khó khăn phức tạp và Cục thi hành án dân sự tỉnh báo cáo tiến độ để chỉ đạo giải quyết các vụ việc thi hành án trên địa bàn tỉnh. Kết quả năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức thi hành xong trên 5.700 việc trong đó có 09 vụ việc khó khăn, phức tạp đã kéo dài nhiều năm.

Huyện Yên Lạc là một trong những địa phương đi đầu trong giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài cần phải thi hành án. Điển hình là bản án đã có hiệu lực thi hành từ 6 năm trước đối với gia đình ông Nguyễn Văn Thóc, thôn Yên Thư, xã Yên Phương. Theo bản án dân sự phúc thẩm ngày 21/9/2016 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc và Quyết định thi hành án ngày 21/10/2016 của Chi cục THADS huyện Yên Lạc, gia đình ông Thóc buộc phải trả lại diện tích gần 117 nghìn m2 đất thuộc Đầm Sếu, thôn Yên Thư cho UBND Xã Yên Phương và số tiền do ông chiếm giữ, khai thác, sử dụng Đầm Sếu là trên 190 triệu đồng. Buộc ông Nguyễn Văn Thóc phải thu hoạch cá, hoa lợi, cây cối lâm lộc và phải tháo dỡ các tài sản xây dựng trên diện tích đất thuộc Đầm Sếu, thôn Yên Thư, xã Yên Phương để trả lại mặt bằng cho UBND Xã Yên Phương.

Tuy nhiên, việc thi hành án phải ngừng lại gần 1 năm rưỡi do gia đình ông Thóc không chấp thuận và tiếp tục kháng nghị lên cấp trên. Sau một thời gian xem xét, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội khẳng định kiến nghị của ông Thóc là không có căn cứ, do vậy, quyết định thi hành án đối với bản án này tiếp tục có hiệu lực.

Chi cục THADS huyện Yên Lạc đã nhiều lần chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện xin ý kiến chỉ đạo. Với phương châm đề cao vận động và thuyết phục, Chi cục Thi hành án huyện phối hợp với Đảng ủy và các đoàn thể xã Yên Phương tuyên truyền, giải thích để gia đình ông Thóc tự nguyện thi hành án.

Đã có hàng chục cuộc đối thoại, hàng trăm lượt gặp gỡ giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương với gia đình ông Thóc nhưng việc tự nguyện thi hành án vẫn không thành do bản thân ông Thóc và gia đình không thiện chí phối hợp.

Bản án đã qua 3 cấp xét xử, trình tự thủ tục về THADS đã được thực hiện đầy đủ trên tinh thần "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư". Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và của người dân địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp là đồng chí Bí Thư huyện ủy Yên Lạc đã chủ trì cuộc họp các ngành liên quan chỉ đạo cưỡng chế đối với vụ việc của gia đình ông Nguyễn Văn Thóc.

Để tháo dỡ các công trình xây dựng hơn 200m2 và cây cối lâm lộc trên diện tích khoảng 9.000m2 ở bờ đầm, tát cạn gần 117 nghìn m2 mặt nước với độ sâu trung bình 1,5, huyện Yên Lạc đã phải huy động nhiều phương tiện, nhiều lực lượng để tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên do khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn nên thời gian tiến hành cưỡng chế đã phải kéo dài nhiều ngày. Đây là vụ việc khó khăn, phức tạp nên công tác đảm bảo an ninh trật tự, kiểm sát thi hành án được thực hiện chặt chẽ.

Khó khăn, phức tạp là thế nhưng với mục tiêu cuối cùng “công lý phải được thực thi” cán bộ ngành Thi hành án đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền huyện Yên Lạc nỗ lực, quyết tâm cưỡng chế đối với hành vi chống đối pháp luật. Từ đó, giữ vững tính nghiêm minh của pháp luật, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và khẳng định việc làm của cơ quan THADS là đúng quy định pháp luật, hợp ý Đảng, lòng dân. Thông qua việc tổ chức cưỡng chế thi hành án đã góp phần răn đe, đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của những người phải thực hiện thi hành án.

Mặc dù cuộc cưỡng chế phải diễn ra trong gần một tuần nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan THADS, bản án đã được thực thi theo đúng quy định của pháp luật.

Đây chính là vụ việc điển hình về sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong công tác thi hành án dân sự; tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người dân; đảm bảo được tính răn đe trong việc chống đối cưỡng chế THADS, tạo sự ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển trên địa bàn./.

Kim Liên