Bác sĩ đặc biệt lưu ý rằng, các bước kiểm tra, chăm sóc mắt trước phẫu thuật đúng cách rất quan trọng mang đến hiệu quả sau phẫu thuật đạt được như mong muốn và mắt được hồi phục thị lực nhanh chóng.
Tỷ lệ người mắc các bệnh khúc xạ mắt ngày càng nhiều, việc phẫu thuật cận thị là giải pháp được nhiều người lựa chọn thay vì đeo kính. Với hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực chuyên khoa mắt, đã mổ 100.000 mắt đục thủy tinh thể, phẫu thuật khúc xạ gần 45.000 mắt bằng các phương pháp khác nhau, Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng, Bác sĩ CK II - Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho rằng, với những tiến bộ của khoa học ngành y, đặc biệt trong lĩnh vực nhãn khoa, các phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ ngày càng hiện đại, an toàn, giúp nhiều bệnh nhân cải thiện thị lực và thuận tiện hơn trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, các bước kiểm tra, chăm sóc mắt trước phẫu thuật đúng cách cũng là khâu rất quan trọng mang đến hiệu quả sau phẫu thuật đạt được như mong muốn và mắt được hồi phục thị lực nhanh chóng.
Khám mắt chuyên sâu và đánh giá giác mạc
Bác sĩ Dũng cho biết, sự phát triển của y học và công nghệ, các thiết bị máy khám và chẩn đoán thị lực ngày càng tân tiến và toàn diện, trở thành “cánh tay đắc lực” hỗ trợ bác sĩ nhãn khoa dễ dàng xác định tỉ lệ thành công của các ca phẫu thuật tật khúc xạ. Đặc biệt, với các bệnh nhân có độ cận, loạn cao hay giác mạc mỏng... việc khám mắt chuyên sâu trước khi phẫu thuật cự kỳ quan trọng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng “Khám mắt chuyên sâu trước khi phẫu thuật mổ cận giúp đánh giá thị lực, chiều dày và cấu trúc bền vững của giác mạc… Bên cạnh đó, xác định độ cong mặt trước, độ cong mặt sau, nguy cơ giãn lồi giác mạc cũng như sàng lọc một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật. Từ đó có thể hỗ trợ bệnh nhân lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất”.
Đảm bảo giữ mắt luôn sạch sẽ
Sau khi khám mắt chuyên sâu và xác định phương pháp phẫu thuật phù hợp với sức khỏe mắt, theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân cần lưu ý chú trọng đến quy trình vệ sinh mắt, đảm bảo giữ mắt luôn sạch sẽ và tránh mọi trường hợp viêm nhiễm. Bởi viêm nhiễm xuất phát từ bất kì nguyên nhân nào đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tăng tỉ lệ rủi ro khi can thiệp phẫu thuật. Bên cạnh đó, bệnh nhân tuyệt đối không nên trang điểm trước khi phẫu thuật, các hạt bụi phấn từ mỹ phẩm sẽ trở thành nguyên nhân gây nhiễm trùng mắt...
Với các trường hợp bệnh nhân đeo kính áp tròng, cần tạm dừng sử dụng tối thiểu 1-2 tuần với kính mềm và 14 ngày - 1 tháng với kính cứng (tùy thuộc vào sức khỏe mắt và chỉ định của bác sĩ). Trong quá trình đeo kính áp tròng có thể gây viêm nhiễm hoặc thay đổi cấu trúc giác mạc của người bệnh và khiến việc đánh giá mắt bị sai lệch.
“Nhiều người hiểu sai rằng, trước khi phẫu thuật cần kiêng ăn uống, tuy nhiên đây là một quan điểm hoàn toàn sai. Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ, bổ sung các loại vitamin để đảm bảo có sức khỏe tốt trước khi phẫu thuật, ngoại trừ các trường hợp bác sĩ yêu cầu nhịn ăn để thực hiện xét nghiệm. Tuyệt đối không nên sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, cà phê... ít nhất 48h trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân cần thực hiện theo đơn thuốc khi được bác sĩ yêu cầu, không tự ý sử dụng các loại thuốc khác. Đặc biệt, việc lựa chọn địa chỉ phẫu thuật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phẫu thuật. Vì thế bệnh nhân nên chọn những bệnh viên uy tín, lâu đời sẽ đảm bảo độ thành công của ca phẫu thuật”, bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng lưu ý.
Theo Thiên Bình/VOV.VN
https://vov.vn/suc-khoe/nhung-dieu-can-luu-y-truoc-khi-phau-thuat-can-thi-post984099.vov