Cập nhật: 19/11/2022 08:55:00
Xem cỡ chữ

Khoảng từ tháng 6 - tháng 7 tới đến nay, các bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhi tăng cao. Nguyên nhân nào dẫn đến năm nay trẻ con bị ốm nhiều như vậy?

Khoảng trống miễn dịch

ThS BS Nguyễn Xuân Đạt, chuyên khoa Tai- Mũi- Họng, nhận định: Việc nhiều trẻ nhỏ (thậm chí cả người lớn) trong năm nay bị ốm là do hệ quả của việc hệ miễn dịch cơ thể không được rèn luyện, để lại một khoảng trống chưa được “bù đắp”; hay nói cách khác, “khoảng trống miễn dịch” chính là câu trả lời cho tình trạng trẻ ốm nhiều như hiện tại.

Trước hết, mọi người cần biết rằng: hệ miễn dịch của cơ thể được rèn luyện qua thời gian, qua sự “va chạm” nhiều lần với các vị “khách lạ” là virus - vi khuẩn… Trong những lần đầu gặp gỡ “khách lạ”, hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng dữ dội, biểu hiện như sốt cao và các triệu chứng khác tương đối nặng nề. Về sau, sau khi “gặp gỡ” lần 1, lần 2, lần 3… hệ miễn dịch cơ thể đã có khả năng nhận diện, vị  “khách lạ” đã trở thành “khách quen”, nên cơ thể phản ứng nhanh và xử lý vị “khách” không mời mà đến này gọn gàng hơn, dẫn đến cơ thể vượt qua bệnh tật một cách nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, hệ miễn dịch của cơ thể lại không có trí nhớ đủ tốt để lưu trữ mãi “hình ảnh” về người “khách lạ” nếu không gặp nhiều lần. Sau một thời gian không gặp lại, hệ miễn dịch “quên” vị khách đã từng ghé thăm và phải kích hoạt hoạt động như lần đầu “gặp mặt” cho lần ghé thăm xa xa sau đó. Điều này khiến các triệu chứng bệnh lại xuất hiện tương đối nặng nề và cơ thể lại phải vật lộn vất vả với những triệu chứng ấy.

“Khoảng trống miễn dịch” được hiểu là như vậy: hệ thống miễn dịch sau một thời gian không được gặp gỡ “khách lạ” ghé thăm cơ thể, không được rèn luyện bỗng trở lên yếu đuối. Có lẽ thời gian qua, sau một thời gian rất dài trẻ không được đến trường do Covid-19, hệ miễn dịch không được rèn luyện đã tạo ra khoảng trống miễn dịch lớn dẫn đến tình trạng bệnh tật tràn lan như năm nay.

Khi nào cần đưa trẻ đi bác sĩ

Trong bối cảnh như vậy, ThS BS Nguyễn Xuân Đạt cho rằng, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thật sự bình tĩnh, không tùy tiện cho con uống bất cứ một loại thuốc gì nếu không có chỉ định từ bác sĩ. BS Nguyễn Xuân Đạt nhấn mạnh: Nên giảm tối đa lượng thuốc nạp vào người trẻ nhỏ. Kháng sinh và Corticoid là 2 loại thuốc cần được hạn chế nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay, bởi lạm dụng chúng sẽ tàn phá hệ miễn dịch của trẻ và làm tình hình trở lên xấu đi.

Các bậc cha mẹ cũng đừng quá hoảng loạn mà vội vàng đưa con đi khám ở bệnh viện. Chỉ đưa con đi khám khi thật sự cần thiết. Dưới đây là một số chỉ định khi cần đưa con đi khám mà BS Nguyễn Xuân Đạt gợi ý để các bậc cha mẹ tham khảo:

Trẻ SỐT đến mức nào thì phải đưa đi khám?

+ Trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trực tràng từ 38ºC trở lên.

+ Trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng có nhiệt độ trực tràng từ 38ºC trở lên trong hơn 3 ngày.

+ Trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng có nhiệt độ trực tràng từ 38,9ºC trở lên.

+ Trẻ em mọi lứa tuổi có nhiệt độ đo ở miệng, trực tràng, tai hoặc trán từ 40ºC trở lên; nhiệt độ nách từ 39.4ºC trở lên; co giật do sốt hoặc các cơn sốt liên tục tái phát. Biểu hiện sốt với trẻ có các bệnh lý khác như: bệnh tim, ung thư, lupus, thiếu máu hồng cầu liềm; hoặc sốt kèm theo nốt phát ban mới trên da.

CÁC BIỂU HIỆN KHÁC cha mẹ cũng cần đưa con đi khám ngay bao gồm:

+ Thở nhanh, gắng sức (khó thở).

+ Ho kéo dài.

+ Bỏ ăn uống, bỏ bú.

+ Ngạt mũi, chảy mũi kéo dài.

+ Mắt đỏ hoặc có rỉ mắt vàng.

+ Đau tai, kéo tai…./.

Theo PV/VOV.VN

https://vov.vn/suc-khoe/tai-sao-gan-day-nhieu-tre-bi-om-post984885.vov