Cập nhật: 25/11/2022 07:30:00
Xem cỡ chữ

Nhiều nghiên cứu cho thấy cân nặng liên quan đến sức khỏe tinh trùng ở nam giới. Tinh trùng có xu hướng yếu hơn ở nam giới béo phì.

Nghiên cứu “Mối liên quan giữa BMI (chỉ số cơ thể) và chất lượng tinh trùng của nam được tiến hành từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2021, với đối tượng nghiên cứu là các nam giới đến thăm khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ. Tất cả đều được khai thác đầy đủ thông tin về tiền sử, bệnh sử, cân nặng, chiều cao và khám lâm sàng theo một quy trình thường quy tại bệnh viện; được tư vấn làm xét nghiệm đánh giá các thông số tinh dịch đồ, sinh hóa máu và nồng độ nội tiết tố.

beo phi co anh huong toi chat luong tinh trung o nam gioi hinh anh 1

Nam giới trong nghiên cứu có độ tuổi từ 17 - 60, được lấy tinh dịch làm xét nghiệm tinh dịch đồ, đồng thời được lấy máu làm các xét nghiệm sinh hóa máu và nội tiết tố cơ bản. Trước khi xét nghiệm, các trường hợp này đều thực hiện kiêng xuất tinh từ 3 - 5 ngày; được đo chiều cao, cân nặng cùng thời điểm làm xét nghiệm máu.

Các trường hợp nam giới vô sinh hoặc giảm chất lượng tinh trùng do nguyên nhân tắc nghẽn đường dẫn tinh; mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng: teo tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh, u tinh hoàn, các bệnh ác tính hoặc đang điều trị hóa chất, xạ trị… không tham gia nghiên cứu.
 
Các bác sĩ tham gia nghiên cứu cho biết trong quá trình sinh tinh, tinh hoàn đạt tốc độ khoảng 1.500 tinh trùng/mỗi giây. Nghiên cứu ghi nhận mối tương quan nghịch chiều giữa BMI và tổng số tinh trùng; tỷ lệ tinh trùng sống và tỷ lệ tinh trùng di động tiến tới nhanh. Trong đó, thể tích tinh dịch ở nhóm có cân nặng bình thường đạt 3,37 ml. Với nhóm thừa cân chỉ số này ở mức 3 ml.

Về tổng số lượng tinh trùng, số lượng tinh trùng của nhóm có cân nặng bình thường đạt 281,39 triệu, cao hơn đáng kể so với nhóm thừa cân có số lượng tinh trùng là 225,07 triệu. Tỷ lệ tinh trùng di động và “chạy nhanh” lên là 39,23% ở nam giới có cân nặng bình thường. Tỷ lệ này là 39,26% ở người thừa cân, béo phì. Tỷ lệ tinh trùng di động tiến tới chậm ở người có cân nặng bình thường là 10,5% và tăng lên ở người thừa cân béo, phì 10,57%

Đáng lưu ý, tỷ lệ tinh trùng sống ở người có chỉ số cân nặng bình thường là 84,11% so với 83,62% ở nhóm người thừa cân béo phì. Nghiên cứu cho thấy, tình trạng thừa cân béo phì có liên quan với tình trạng giảm thể tích tinh dịch cũng như giảm tổng số tinh trùng ở nam giới.

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân, được nhận định bằng chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này được tính theo công thức: trọng lượng cơ thể của một người (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét).

Người có cân nặng bình thường có chỉ số BMI từ 18,5 - 24,99; người thiếu cân chỉ số BMI dưới 18,5; thừa cân và béo phì chỉ số BMI từ 25 trở lên. Trong đó, BMI từ 30 trở lên là béo phì. BMI trên 40 được coi là bệnh béo phì và trên 50 là bệnh béo phì nặng.

Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh./.

Theo CTV Vũ Gia/VOV.VN (biên dịch)

https://vov.vn/suc-khoe/nam-khoa/beo-phi-co-anh-huong-toi-chat-luong-tinh-trung-o-nam-gioi-post985106.vov