Cập nhật: 26/11/2022 08:18:00
Xem cỡ chữ

Chỉ 2 ngày sau khi mổ lợn, người đàn ông ở Hà Nội bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt cao, rối loạn ý thức.

Sau khi lợn bị ốm chết, người đàn ông trung niên sống tại Hà Nội đã xẻ thịt để làm thức ăn cho cá.

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, người này bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt cao, rối loạn ý thức. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau đó chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Bệnh nhân được xác định nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Thời điểm nhập viện bệnh nhân đã ở trong tình trạng rất nặng, với các triệu chứng như: sốt cao, rối loạn ý thức gần đi vào hôn mê, xuất huyết ở tay và chân. Đây là những triệu chứng đặc trưng của việc nhiễm liên cầu khuẩn lợn".

lien_cau_lon_1

BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Nhật).

Sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ can thiệp đặt ống thở máy. Điều may mắn là bệnh nhân đáp ứng điều trị nên sau khoảng 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã có ý thức trở lại, cai thở máy, tình trạng tương đối ổn định.

"Tuy nhiên, việc nhiễm liên cầu khuẩn diễn biến nặng sẽ khiến bệnh nhân phải gánh chịu những di chứng lâu dài như mất thính giác. Đây cũng là vấn đề cần lưu tâm", BS Phúc cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là: thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não.

Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Thể thứ hai là viêm màng não, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.

lien_cau_lon_2

Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nếu nhập viện muộn tình trạng sẽ rất nặng nề (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Với liên cầu lợn nếu phát hiện sớm, điều trị sớm việc điều trị không quá phức tạp và tiên lượng tốt. Tuy nhiên, nếu đến viện muộn, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc, việc điều trị sẽ rất phức tạp, chi phí lớn. Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ cao đối mặt với những di chứng kéo dài.

"Bệnh trở nặng rất nhanh, chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa Hồi sức tích cực trong vài tuần. Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, đầu tay, mặt và di chứng nặng như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt", BS Phúc nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nhiễm liên cầu lợn. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi tiếp xúc, giết mổ lợn hay ăn thực phẩm chưa nấu chín, đặc biệt là tiết canh.

Để phòng bệnh, theo BS Phúc, người dân không nên giết mổ lợn trong điều kiện chưa đảm bảo vệ sinh, không ăn thịt lợn sống, chưa chín kĩ hoặc các món tái, tiết canh. Người dân cũng không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Theo Minh Nhật/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-mo-lon-chet-cho-ca-an-nguoi-dan-ong-bi-diec-vi-vi-khuan-nguy-hiem-20221125191940983.htm