Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, khoảng 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc cho rằng không đến mức như vậy. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng xác định béo phì là yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân có thể chuyển nặng khi mắc các bệnh khác.
Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở nước ta tăng gấp đôi sau 10 năm (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3%, miền núi là 6,9%. Như vậy, cứ 10 học sinh thành thị lại có bốn em bị thừa cân, béo phì.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ thừa cân, béo phì phải luôn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
“Tăng cân nhanh, tăng mỡ, vận động khó khăn do đó trẻ ít tham gia các hoạt động vận động. Nặng hơn nữa, trẻ có thể bị những rối loạn về mặt tinh thần, trẻ tự ti không tin vào bản thân, ít nặng động. Khả năng học tập, tiếp thu bài vở kém đi. Có thể dẫn đến rối loạn mỡ máu. Khi trẻ dậy thì đặc biệt với bé gái, nhận thấy có kinh sớm và chiều cao cũng không phát triển. Nếu để lâu ngày sẽ dẫn đến những rối loạn về sau. Chính vì vậy, phải ngăn chặn, phòng ngừa béo phì càng sớm càng tốt, nếu để muộn sẽ có nhiều biến chứng đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe của trẻ”- PGS-TS-BS Nguyễn Xuân Ninh- Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ.
Vậy phải làm thế nào để giúp các con không bị thừa cân, béo phì? Các cha mẹ nhiều khi đã nghĩ đến việc cho con điều trị nhưng điều này cũng không đơn giản, bởi “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”.
“Đối với cả trẻ em kể cả trẻ em đang béo phì thì đấy là giai đoạn phát triển về mọi mặt đặc biệt là phát triển chiều cao, vì thế bên cạnh việc điều chỉnh và cân đối lại dinh dưỡng, cha mẹ phải giảm các thực phẩm có hại cho sức khỏe của trẻ, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đảm bảo các dinh dưỡng quan trọng nhất là các thực phẩm cung cấp các vi chất dinh dưỡng”- chia sẻ của TS Phan Bích Nga - Trưởng khoa Dinh dưỡng trẻ em- Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Chính vì thế, theo PGS-TS Nguyễn Xuân Ninh- Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng VN, các mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong phòng tránh béo phì.
“Người mẹ và những người nội trợ phải có những kiến thức dinh dưỡng cơ bản, phải biết chế biến những món ăn phù hợp, chứ không thể chiều theo ý thích của trẻ. Cần cho trẻ hạn chế ăn ngũ cốc, bánh kẹo, đồ ngọt. Nước uống có ga, nước ngọt đóng chai phải hạn chế đến mức tối thiểu, không nên ăn thức ăn chế biến sẵn. Ở nhà bố mẹ tạo thói quen và làm gương cho trẻ trong ăn uống. Hạn chế tình trạng các bé ngồi một chỗ chơi điện thoại, xem TV, lúc đó phải tìm mọi cách để bé đứng dậy, chạy nhảy và chơi với bạn bè”-PGS-TS Nguyễn Xuân Ninh tư vấn.
TS Trần Quang Nam- Phó trưởng Bộ môn Nội tiết – ĐH Y dược TP.HCM, cũng lưu ý các mẹ có con dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì, đó là cần đến gặp bác sĩ để khám và tìm ra nguyên nhân gây béo phì cho con, từ đó mới có thể có phương pháp điều trị hiệu quả.
“Trẻ dưới 5 tuổi béo phì cũng liên quan đến dinh dưỡng, tuy nhiên, cần cho trẻ đi bệnh viện khám để loại trừ những nguyên nhân có thể liên quan đến tình trạng béo phì. Khi trẻ điều trị các bệnh nguyên nhân thì béo phì có thể được cải thiện. Trẻ dưới 5 tuổi béo phì có thể bị suy giáp, phải điều trị và bổ sung các hormone tuyến giáp, sau điều trị có thể cân nặng mới giảm xuống, bởi vì khi thiếu hormone tuyến giáp thì chuyển hóa rất chậm và gây ra tình trạng béo phì khó kiểm soát ở trẻ"- TS.BS Trần Quang Nam nói.
Tuy nhiên, ngoài các bệnh lý gây nên tình trạng béo phì, các chuyên gia cũng đánh giá vai trò rất lớn của dinh dưỡng. Vì thế, khi các cha mẹ thiết kế một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý cho các con của mình, tin rằng, các bé sẽ phát triển thể chất một cách tích cực, tránh được tình trạng béo phì, thừa cân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các bé./.
Theo Phương Trang/VOV2
https://vov.vn/suc-khoe/hau-qua-khi-tre-beo-phi-post987892.vov