Cập nhật: 12/01/2023 09:51:00
Xem cỡ chữ

Năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy nhà bán lẻ sẽ mở cửa trở lại, tìm kiếm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường. Đặc biệt sẽ có sự đầu tư mới của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam.

Nganh ban le: Don song hoi phuc sau dai dich, tang toc chuyen doi so hinh anh 1

Người dân đi mua sắm ở siêu thị Lotte Mart Cần Thơ. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Trong đó, ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ (40,61%). Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19).

Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá đây là ngành nghề sôi động với cả doanh nghiệp sản xuất trong nước và các nhà bán lẻ nước ngoài.

Đặc biệt, với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ AI, và công nghệ nhiệt hạch cảm biến để tự động hóa quy trình thanh toán, qua đó nâng chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho khách hàng…

Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về bức tranh ngành bán lẻ thời gian qua?

Bà Vũ Thị Hậu: Năm 2020 và 2021 so với trước đại dịch ngành có mức tăng trưởng âm rất lớn, không chỉ âm 2 con số mà lên 3 con số. Có những dịch vụ như dịch vụ du lịch lữ hành, nhà ở giảm mạnh. Năm 2020-2021 ngành bán lẻ chủ yếu tập trung vào cung cấp các loại thực phẩm thiết yếu như rau củ qủa, đồ tươi sống…

Bán lẻ được coi là một trong những ngành bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch. Kể từ khi bùng phát từ cuối tháng 4/2021, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều công ty đóng cửa hoặc phải thu hẹp mô hình kinh doanh.

Tuy vậy, từ tháng 4/2022 đến nay, ngành bán lẻ đã lấy lại được sức hồi phục sau đại dịch. Các hệ thống bán lẻ, tạp hoá, văn hoá phẩm, dịch vụ lữ hành đã lấy lại được sự cân bằng. Sức mua của thị trường bán lẻ tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2021. Một số dịch vụ như lữ hành, nhà ở đã tăng trưởng ở 3 con số.

Báo cáo của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Đây thực sự là con số đáng mừng. Lĩnh vực bán lẻ có được kết quả này là nhờ đòn bẩy từ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, sự hồi phục ở mọi lĩnh vực đã trở lại. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang phục hồi mạnh mẽ.

Ngành bán lẻ liên quan rất nhiều đến đời sống con người, thu nhập của người dân. Khi thu nhập của người dân tăng lên, thì doanh thu bán lẻ cũng tăng theo. Các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích, các sàn thương mại điện tử diễn ra sôi động. Ngoài ra, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua cũng tác động tích cực đến ngành bán lẻ Việt Nam.

- Thực tế cho thấy, nhiều hàng hoá của Việt Nam nhất là nông sản vẫn khó tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, vậy theo bà, các doanh nghiệp phải làm gì để nâng cao hơn nữa tỷ lệ phủ sóng hàng Việt tại siêu thị, trung tâm thương mại?

Bà Vũ Thị Hậu: Nhà bán lẻ rất cần đến sự đa dạng hoá sản phẩm trong hệ thống của mình để thu hút khách hàng. Thực tế, với tiêu chuẩn cao nên để vào được hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà sản xuất phải đáp ứng được các quy định, tiêu chí nhà bán lẻ đặt ra. Tiêu chí này dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chính vì thế, nhà bán lẻ phải áp đặt những quy định đó lên các nhà sản xuất. Cụ thể, mẫu mã bao bì sản phẩm phải có sự bắt mắt, các tiêu chí trên bao bì đáp ứng quy định ghi trên nhãn mác. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng là một tiêu chí vô cùng quan trọng, luôn được đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt, hầu hết hàng hoá nhất là với hàng hóa thực phẩm đều được dán tem QR Code trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Đây là một trong những giải pháp công nghệ tiên phong hiện nay, có khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

Vậy theo bà, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cần làm gì để tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao sau đại dịch COVID-19?

Bà Vũ Thị Hậu: Trong những năm qua ngành đã nỗ lực rất nhiều để đứng vững trên thị trường. Trong thời gian tới ngành cần phát huy những điểm mạnh của mình và khắc phục những điểm yếu.

Điểm yếu của ngành bán lẻ đã được nhắc tới từ trước đó là quản trị doanh nghiệp còn yếu so với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong cùng ngành. Bởi quản trị trong ngành bán lẻ khác với các ngành nghề khác.

Theo tôi, quản trị doanh nghiệp bán lẻ từ khâu đầu vào đến đầu ra, cần nắm vững được những mấu chốt trong vận hành doanh nghiệp. Khắc phục được những điểm yếu này sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và cạnh tranh được trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần đào tạo thường xuyên cho cán bộ quản lý từ cấp trung trở lên. Mặt khác, cần có sự gắn kết giữa nhà bán lẻ và nhà cung ứng để trao đổi về những diễn biến của thị trường cũng như tình trạng hàng hoá sản xuất ra, dự báo được mùa vụ… củng cố tiềm lực tài chính của doanh nghiệp để thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Nganh ban le: Don song hoi phuc sau dai dich, tang toc chuyen doi so hinh anh 2

Ngành bán lẻ hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Doanh nghiệp bán lẻ cần có được nguồn cung ứng tốt, hàng hoá tốt, đa dạng hoá sản phẩm… nhằm thu hút khách hàng; kết hợp với nhà sản xuất, nhà cung ứng để có những chương trình khuyến mại tốt nhất nhằm kích cầu tiêu dùng; thường xuyên nắm bắt được mọi diễn biến trên thế giới về hàng hoá nhập khẩu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước… nhằm thích ứng, linh hoạt trong mọi tình huống.

Đón xu thế mới để phát triển

Chuyển đổi số đang là xu hướng trong ngành bán lẻ tại Việt Nam trong thời kỳ mới, bà nhìn nhận thế nào về xu hướng này?

Bà Vũ Thị Hậu: Khi xảy ra đại dịch, việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh. Các nhà bán lẻ rất nhanh nhạy chuyển hướng phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Nhà bán lẻ đầu tư nhiều cho công nghệ, nhân lực để đáp ứng yêu cầu.

Còn các nhà sản xuất cũng tận dụng các website của chính doanh nghiệp mình, các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ. Đây cũng chính là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt với các mặt hàng nông sản…

Hiện Hiệp hội cũng đang xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành bán lẻ. Chuyển đổi số trong bán lẻ giúp doanh nghiệp thanh toán nhanh hơn, nhờ hình thức tự động thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị. Cụ thể, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ AI, và công nghệ nhiệt hạch cảm biến để tự động hóa quy trình thanh toán. Nhờ đó, sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm mua sắm tuyệt vời hơn…

Bà đánh giá thế nào về triển vọng của ngành bán lẻ trong năm 2023?

Bà Vũ Thị Hậu: Theo dự đoán của tôi, trong năm 2023 ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh, đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung, đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch.

Trong 2 năm đại dịch bùng phát mạnh, một số nhà bán lẻ đã phải đóng cửa bớt, chỉ giữ lại những địa điểm bán tốt. Nhưng sang năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy họ sẽ mở cửa trở lại, thậm chí tìm kiếm thêm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường. Đặc biệt sẽ có sự đầu tư mới của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam.

Nhà bán lẻ trong nước cũng kỳ vọng tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thông qua việc bắt tay với các đối tác nước ngoài. Đây là sự hợp tác bình thường khi muốn doanh nghiệp của mình khoẻ lên trong bối cảnh hiện nay.

- Xin cảm ơn bà./.

Theo Đức Duy (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/nganh-ban-le-don-song-hoi-phuc-sau-dai-dich-tang-toc-chuyen-doi-so/840424.vnp