Ho khan là một bệnh đường hô hấp phổ biến. Ho khan có nhiều mức độ, đôi khi cơn ho kéo dài khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt ngày thường.
Ho khan là dạng ho không tiết ra đờm hoặc chất nhầy, phân biệt với tình trạng ho có đờm. Tình trạng này có thể gây cho bệnh nhân cảm giác ngứa, kích thích trong cổ họng. Mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không điều trị dứt điểm, ho khan có thể gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt, nếu bệnh kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc phải những bệnh hô hấp nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm họng, thậm chí ung thư vòm họng…
Nguyên nhân gây ho khan
Bệnh có thể xuất phát do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau:
- Bệnh nhân bị trào ngược axit từ dạ dày: Cụ thể, khi axit tiết ra từ thực quản bị trào ngược lên vòm họng sẽ tạo ra cảm giác ngứa và lâu dần sẽ thành ho khan.
- Viêm thanh quản: Đây cũng là nguyên nhân có nguy cơ mắc bệnh ho khan. Thanh quản bị viêm nhiễm sẽ dễ gây ra cảm giác ngứa, rát và ho khan liên tục.
- Hút thuốc lá: là một nguyên nhân gây bệnh ho khan theo thời gian. Bởi khói từ thuốc lá sẽ xâm nhập qua đường thanh quản và phổi làm cho phổi bị yếu.
- Viêm mũi dị ứng: Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh ho khan. Một số chất gây ra dị ứng mũi như bụi phấn, hương thơm của ho, lông chó, lông mèo…
Ho khan có nguy hiểm không?
Tuy ho khan không phải là một bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe nhưng cần đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu:
- Ho khan kéo dài hơn 1 tuần;
- Ho khan liên tục, đi kèm hơi thở kém, hụt hơi, thở khò khè;
- Ho nhiều vào ban đêm;
- Cảm thấy cơ thể mệt mỏi, đau nhức tai, sốt phát ban, khàn tiếng;
- Huyết áp tăng, sụt giảm cân thất thường;
- Ho ra máu có thể là dấu hiệu nhận biết một số bệnh như ung thư phổi, viêm phổi cấp tính – mạn tính…
- Ngoài triệu chứng ho thì người bệnh còn có những biểu hiện như sụt cân, sốt nhẹ.…
- Cần đi khám sức khỏe ngay khi thấy có hiện tượng ho khan bất thường kể trên để phát hiện sớm những tổn thương và có biện pháp điều trị kịp thời.
Phòng ngừa ho khan như thế nào?
Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng ho khan nên tìm hiểu một số phương pháp đơn giản mà hiệu quả:
- Uống đủ nước: là một cách đơn giản và hiệu quả. Nên cố gắng uống ít nhất là 1,5l nước mỗi ngày, sẽ giúp cho niêm mạc sẽ bớt bị khô, giảm đáng kể tình trạng ho khan.
Ngoài ra, uống đủ lượng nước cho cơ thể sẽ giúp giữ ấm cổ họng và ngăn ngừa được các kích ứng. Nên ưu tiên uống nước ấm thay vì uống nước lạnh.
- Nên bổ sung lượng vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng để chống lại các loại virus thông thường. Có thể cung cấp lượng vitamin C từ các loại rau củ hàng ngày trong các bữa ăn: súp lơ xanh, cà chua… hay các loại hoa quả giàu vitamin như cam, chanh, dứa…
- Có thể sử dụng mật ong tự nhiên để cải thiện và điều trị ho khan. Nên ăn một lượng nhỏ mật ong trước khi đi ngủ có thể giảm thiểu ho và cải thiện giấc ngủ.
- Nên nghỉ ngơi đầy đủ và phù hợp, nhất là những ngành nghề phải nói nhiều như giáo viên, MC… Việc nghỉ ngơi sẽ giúp cho hệ hô hấp được nghỉ ngơi, tránh tình trạng gây đau rát, sưng tấy họng do nói quá nhiều.
- Có thể dùng kẹo ngậm ho: làm giảm kích ứng khu vực cổ họng và giảm ho.
- Dùng thuốc trị ho: Một số loại thuốc trị ho không kê đơn có thể làm giảm phản xạ ho.
- Nâng đầu cao khi nằm có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng chảy dịch mũi sau và trào ngược dạ dày thực quản, từ đó giúp giảm các cơn ho./.
CTV Vũ Gia/VOV.VN (biên dịch)
Theo Heathline
https://vov.vn/suc-khoe/nhan-biet-va-khac-phuc-cac-con-ho-khan-post996330.vov