Bao đời nay, mỗi độ Tết đến xuân về, người dân Văn Xá (Kim Bảng, Hà Nam) lại long trọng tổ chức lễ “lên lão” cho nam giới đến độ tuổi theo định lệ của làng. Trước đây, đó là một nghi thức tôn nghiêm, còn ngày nay đó vẫn là nét đẹp văn hóa độc đáo được người dân nơi đây duy trì với mong muốn gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, giáo dục sự hiếu thuận cho thế hệ trẻ; cũng là dịp để những người con xa quê hướng về nguồn cội.
Đội lễ lên đình làm lễ tại Chanh Thôn
1/Chẳng ai biết tục lên lão ở Văn Xá có từ khi nào, nhưng theo các bậc cao niên trong xã thì đã xuất hiện từ rất lâu đời. Tục tồn tại ở ba làng: Đặng Xá, Điền Xá và Chanh Thôn, thể hiện quan điểm “triều định trọng tước, làng nước trọng người già” với những quy định khá nghiêm ngặt. Đàn ông trong làng đủ tuổi lên lão (ở Đặng Xá là tuổi 49, ở Chanh Thôn là tuổi 55 và ở Điền Xá là tuổi 59) phải tổ chức lễ lên lão, quá tuổi quy định sẽ không được làm nữa.
Vào khoảng rằm tháng Chạp, những người đến tuổi lên lão trong năm sẽ tập hợp lại để họp bàn, phân chia công việc, lên danh sách mời. Ngoài các chức sắc trong làng, đương nhiên không thể thiếu những người đã lên lão. Việc mời phải theo quy tắc, thể hiện sự kính trọng với người đã lên lão. Câu mời xưng hô cũng khác ngày thường, người đến mời sẽ phải gọi người được mời bằng cụ. Qua ngày lên lão, cách gọi lại trở về như ngày thường theo bề bậc họ hàng. Nếu gia đình có tang hoặc làm sang cát sẽ không đến ăn cỗ khao lão.
Người được làm lễ lên lão không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, đều phải chuẩn bị mâm cỗ thật thịnh soạn để cúng thành hoàng làng và tham gia thi cỗ sau khi thủ tục làm lễ lên lão kết thúc. Sau khi chính thức “lên lão”, người nam giới được tham gia vào việc làng, tế thần, tế thánh, được hưởng những đặc quyền riêng, từ quyền lợi về chỗ ngồi ở đình, về mời cỗ đến việc giảm trừ sưu thuế. Có những quan niệm cổ hủ, lạc hậu trong xã hội phong kiến xưa đã dẫn tới không ít hệ lụy xoay quanh việc “lên lão”. Có gia đình đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, thậm chí phải cắm đất, cắm ruộng để có tiền làm cỗ. Có trường hợp phải bỏ làng đi nơi khác sống vì không có tiền làm lễ “lên lão”, bị dân làng định kiến, coi thường. Tục “trả nợ miệng” ở làng quê nghiệt ngã tới mức nơi đây từng tồn tại câu nói: “không nấu (cỗ) mất ngôi, nấu không có chỗ ngồi” là vì thế.
2/Ngày nay, tục lên lão ở Văn Xá vẫn được duy trì. Dù tuổi thọ của người dân tăng lên nhưng việc định tuổi lên lão vẫn như xưa bởi người dân Văn Xá cho rằng đó là độ tuổi đánh dấu mốc son cuộc đời họ với con cháu, với làng xã. Đa số đàn ông ở độ tuổi 50 đều chín chắn, trưởng thành, công việc sự nghiệp đã vững, nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn, đáng để thế hệ sau noi gương, học hỏi. Bởi vậy, dân các làng Văn Xá dù làm ăn, sinh sống nơi xa đến tuổi “lên lão” vẫn về làng làm lễ vào dịp đầu năm mới. Những người đang sinh sống, công tác ở nước ngoài hay các tỉnh, thành phố khác, đến tuổi lên lão mà không về được cũng thường nhờ anh em ruột thịt trong nhà làm cỗ, trước là lễ thành hoàng làng, sau là khao bà con chòm xóm. Xã hội văn minh hiện đại, mâm cỗ cúng thành hoàng đã đơn giản hơn rất nhiều, việc “khao lão” cũng không còn nặng nề. Gia đình có người “lên lão” chỉ cần sửa soạn mâm xôi, con gà, trầu, rượu, trà, hương, nến, hoa quả ra đình dâng cúng thành hoàng, sau đó nhà có điều kiện thì làm vài mâm mời họ hàng, bạn bè thân hữu, người còn khó khăn thì dăm ba hộp bánh, gói kẹo, túi trà thơm để mọi người đến chung vui. Tục lên lão được tổ chức vào dịp đầu năm mới tạo không khí phấn khởi, tươi vui cho từng gia đình, lan tỏa tới từng khu dân cư...
Tục lên lão ở Văn Xá không chỉ động viên, khích lệ người cao tuổi nêu cao tinh thần gương mẫu, góp trí, góp công, vận động cháu con và nhân dân đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết “trọng lão”, qua đó gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, quy tụ những người con xa quê hướng về nguồn cội.
Theo HOÀNG OANH/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tuc-len-lao-dau-xuan-o-van-xa-post733052.html