Trong phiên chợ đậm đà sắc xuân ấy, rộn rã những tiếng cười, tiếng khèn, tiếng sáo se kết tình yêu, ước mong một năm mới ấm no.
Cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 50Km về hướng Tây Bắc, phía sau con dốc cao vút có 1 thung lũng nhỏ với một phiên chợ vô cùng đặc sắc – đó là chợ phiên Mường Hum của huyện Bát Xát, Lào Cai.
Vẫn là chợ phiên Mường Hum nổi tiếng nhất của huyện Bát Xát, nhưng không khí của phiên chợ ngày giáp Tết đặc biệt hơn rất nhiều, phong phú, sặc sỡ và đông đúc hơn bao giờ hết. Mẹ con chị Sùng Thị Xay, người Mông ở xã giáp ranh Dền Thàng đã lọ mọ xuống chợ từ sớm để ngắm nghía được nhiều hơn.
“Sắp đến năm mới, mình xuống chợ mua quần áo mới cho các con để đi chơi Tết. Cuộc sống ở vùng cao vất vả, khó khăn nên cũng chỉ mua được cho mỗi đứa 1 - 2 bộ quần áo”, chị Xay tâm sự.
Không khí của phiên chợ ngày giáp Tết đặc biệt hơn rất nhiều. Ảnh: QuochoiTV
1 – 2 bộ quần áo và thêm ít bánh kẹo là có Tết, còn lại ra chợ không chỉ để mua sắm mà còn là đi chơi. Những người bán hàng ở chợ cũng muốn bán cho nhanh.
Bà Trương Thị Dầu cõng 1 gùi to bánh chưng gù của người Giáy ra chợ, mới nửa buổi đã sắp hết veo. “Bánh này khó làm lắm! Mình đi rừng lấy lá mất 1 – 2 ngày mới đủ. Gạo gói bánh là gạo địa phương, nhưng phải là gạo cứng nhất mới làm được, nếu gạo mềm bánh sẽ bị dính. Nhiều người họ thích ăn bánh này nên làm bán không kịp”, bà Dầu cho biết.
Nằm ở trung tâm cụm xã, chợ Mường Hum hội tụ đủ sắc màu dân tộc như Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì… Trong phiên chợ lớn nhất huyện này hầu như không thiếu một thứ gì, rất nhiều mặt hàng không dễ tìm thấy ở các chợ trung tâm thành phố như trang sức thổ cẩm, thảo dược, nông cụ…
Ông Tẩn Láo Sì, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hum cho biết, các sản phẩm này đều được bà con trực tiếp sản xuất và chế biến ra nhưng rất nổi tiếng, được khách hàng khắp nơi ưa chuộng, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân và giữ gìn được bản sắc dân tộc, văn hóa địa phương.
Một không gian đặc biệt nữa ở chợ phiên Mường Hum là khu ẩm thực, với những món ăn mang đậm chất vùng cao như thắng cố, phở chua, bánh rán… Đã đến chợ, kể cả không mua hàng thì già trẻ lớn bé cũng phải ăn một cái gì đó cho thỏa thuê vì khi về tới thôn, tới bản thì dễ gì có được.
Cánh đàn ông mong chờ tới ngày chợ chỉ để tận hưởng không khí rộn rã và được nghiêng say trong hương rượu thơm nồng. Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Lào Cai cho hay, khi đến với chợ, người ta chia sẻ rất nhiều thứ, tình cảm, kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng có và người ta chia sẻ cả những niềm vui, nỗi buồn.
“Có những nỗi buồn chỉ khi đến chợ những người đàn ông mới chia sẻ cho nhau. Chợ cũng là không gian gặp gỡ của các chàng trai - cô gái. Ẩm thực tại các phiên chợ vùng cao hết sức đặc sắc, mang đúng hương vị của vùng cao”, ông Nghĩa nói.
Mùa xuân – đất trời Mường Hum căng tràn sức sống, những thửa ruộng bậc thang kì vĩ phơi mình trong nắng ấm, những đồi chè Shan Tuyết xanh rì. Trong phiên chợ đậm đà sắc xuân ấy, rộn rã những tiếng cười, tiếng khèn, tiếng sáo se kết tình yêu, ước mong một năm mới ấm no. Con suối Mường Hum hiền hòa vẫn còn chảy mãi cùng giai điệu của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ về miền đất vùng cao đặc sắc này./.
Theo An Kiên/VOV-Tây Bắc
https://vov.vn/van-hoa/ron-rang-phien-cho-tet-muong-hum-post997692.vov