Cập nhật: 21/01/2023 17:25:00
Xem cỡ chữ

Cũng như các dân tộc thiểu số khác, người Sán Dìu đón nhiều cái Tết trong một năm, nhưng Tết cổ truyền vẫn là cái Tết quan trọng nhất đối với đồng bào dân tộc Sán Dìu nói chung và người Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo nói riêng.

Để có được cái Tết đủ đầy, trang trọng và ấm cúng, các bà, các mẹ sẽ sửa soạn đi chợ từ sớm, mua sắm, sửa sang các vật dụng cần thiết trong gia đình và chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho dịp Tết. Phiên chợ Tết của đồng bào Sán Dìu rất đặc sắc. Mọi người xuống chợ, ngoài việc mua những vật dụng cần thiết chuẩn bị đón Tết thì không thể thiếu một đôi chiếu mới và bộ trang phục mặc đi chơi Tết.

Khác với người Kinh, vào ngày Tết Cả, mâm cơm của người Sán Dìu không thể thiếu bánh chưng gù để dâng cúng tổ tiên. Nguyên liệu làm bánh chưng gù gồm lá dong, gạo nếp cái hoa vàng thơm dẻo, đỗ xanh… là những sản vật được lựa chọn sau mỗi mùa gặt. Những hạt gạo chắc mẩy, dẻo đanh này sẽ cho những mẻ bánh thơm ngon.

Bánh chưng của người Sán Dìu không có hình vuông mà là hình trụ, hơi nhô lên ở giữa, thon dài, vát hai đầu. Bánh được gói bằng 2 lớp lá, lá chít và lá dong. Lá chít bên trong, lá dong bên ngoài, để khi luộc lá chít quyện mùi thơm vào bánh và cho màu đẹp mắt. Đặc biệt, lá chít không chỉ giúp bánh không bị dính lá mà còn mang hàm ý con người trong gia đình, cộng đồng phải luôn gắn bó, đùm bọc lẫn nhau. Lạt buộc từ 7 - 9 đoạn, tượng trưng cho 7 - 9 đời người kết nối với nhau duy trì nòi giống.

Món bánh truyền thống này cầu kỳ, cần sự kiên nhẫn như tính cách của người Sán Dìu, được dâng lên Tổ tiên trong ngày Tết với lòng thành kính và gửi gắm những tình cảm thiêng liêng nhất. Người Sán Dìu cho rằng, ngày Tết, nhà nào gói bánh chưng càng đẹp dâng lên Tổ tiên thì năm đó gia đình càng được may mắn, hạnh phúc.

Một phong tục độc đáo nữa của đồng bào Sán Dìu trong dịp Tết là tục dán giấy đỏ. Theo quan niệm của đồng bào, dán giấy đỏ để báo hiệu mùa Xuân đã về và đánh dấu những đồ, vật dụng là của gia đình mình.

Đặng Thưởng