Diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc trên 700 ha, có hơn 3.000 hộ, với hàng chục ngàn người vun trồng, sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, cung cấp sản phẩm quanh năm cho nhiều vùng trong cả nước và cả xuất khẩu. Mặc dù phát triển vượt bậc nhưng những người trồng hoa ở Sa Đéc vẫn giữ được nét truyền thống từ các bậc tiền nhân để lại.
Sa Đéc là vùng đất có vị trí địa lý thuận lợi cho các hoạt động “giao thương” cả đường bộ lẫn đường thủy, dễ dàng kết nối với các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Trải qua nhiều thăng trầm trong suốt chặng đường hơn 100 năm, đến nay thế hệ thứ 5 đã khơi dậy những tiềm năng và lợi thế vốn có để thúc đẩy làng hoa Sa Đéc phát triển vượt bậc, tăng nhanh về quy mô, trình độ và giá trị sản xuất, làm đẹp cảnh quan, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Giờ đây, diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc trên 700 ha, có hơn 3.000 hộ, với hàng chục ngàn người vun trồng, sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, cung cấp sản phẩm quanh năm cho nhiều vùng trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước.
Làng hoa Sa Đéc hơn 100 tuổi ở miền Tây
Hơn 40 năm kinh nghiệm trồng hoa, ông Trần Văn Tiếp, 72 tuổi ở Sa Đéc thấy rõ sự thăng trầm của làng hoa hơn 100 tuổi. Nhiều người phải lo cái ăn, cái mặc đã từ bỏ nghề mà ông, cha đã truyền lại; lại có những người không trụ được đành tha hương để tìm cuộc sống mới.
Làng hoa Sa Đéc chỉ hồi sinh và thay đổi cách đây khoảng 30 năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những người trồng hoa kiểng nơi đây đã tự thay đổi để bắt nhịp với xu thế hội nhập. Nhiều giống hoa mới được đưa vào canh tác để phục vụ thị hiếu người tiêu dùng; những nét văn hóa, truyền thống trồng hoa trên giàn vẫn được lưu giữ, truyền lại cho đời sau và đến tận ngày nay, người trồng hoa ở Sa Đéc vẫn sử dụng cách này.
Cách trồng hoa trên giàn vẫn được lưu giữ ở Sa Đéc.
Trong những năm gần đây, hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng người trồng hoa ở Sa Đéc dần thích nghi và thay đổi cùng thời cuộc. Sự đổi thay, giàu có từ nghề trồng hoa được thấy rõ khi những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi mọc lên nhiều.
Nhưng với ông Trần Văn Tiếp thì đây là sự thay đổi sống còn của làng hoa hơn 100 năm tuổi. Bởi, nếu không thay đổi sẽ rất khó bắt kịp xu thế thời đại và sự thay đổi này vẫn giữ được nét văn hoá, truyền thống của bao thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, hình thành nên làng hoa Sa Đéc nổi tiếng vùng sông nước Cửu Long.
"Đối với làng hoa Sa Đéc, chúng tôi rất tự hào bởi vì tiếp nối truyền thống cũ nhưng tuổi trẻ bây giờ khát khao mạnh mẽ, tìm những cái mới kết nối vào cái cũ trở thành rất độc đáo. Chính bản thân tôi và tuổi trẻ bây giờ khát vọng làm sao cho nhà nhà đều cơm no áo ấm, ăn sang mặc đẹp và xã hội của làng hoa thay đổi mỗi ngày. Bây giờ đang hội nhập, câu chuyện của chúng tôi làm vẫn giữ được bản sắc truyền thống nối tiếp, nhìn vào thấy rực rỡ. Cái rực rỡ đó học hỏi kinh nghiệm của cha ông và cái tiếp cận của xã hội bây giờ" - ông Trần Văn Tiếp nói.
Người dân chăm sóc hoa để chuẩn bị đưa ra thị trường phục vụ Tết.
Từ thủa sơ khai những thế hệ vun trồng và bồi đắp để “Làng hoa Sa Đéc” giờ đây ngày càng khởi sắc, mang lại cái đẹp cho đời, sự giàu có cho người trồng hoa và phồn thịnh cho xứ sở hoa lớn nhất miền Tây. Những người trồng hoa kiểng ở làng hoa Sa Đéc đã không ngừng sáng tạo, đưa ra thị trường những tác phẩm nghệ thuật, mang đậm nét văn hóa, hình ảnh con người Sa Đéc hiền hòa, hào sảng và đặc biệt hơn là khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của mình.
Anh Nguyễn Đông Hậu là thế hệ đang ươm mầm những ước mơ để phát triển và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của làng hoa cũng đang đứng trước những cơ hội, thách thức vừa phát triển bền vững làng hoa vừa sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu hiện nay: "Mình mong muốn làng hoa phát triển, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng gần xa trong và ngoài nước, trong khi đó mình vẫn giữ được bản sắc. Bản thân tôi tốt nghiệp kỹ sư nông học, cũng ra đồng làm rất chăm chỉ. Thậm chí tôi lãnh rất nhiều những công trình lớn, trồng cả bông hồng trên cát biển. Tôi muốn làm những cây bông giá trị cao hơn xuất khẩu ra nước ngoài".
Cảnh nhộn nhịp mỗi khi Tết đến xuân về ở Sa Đéc.
Từ một vùng đất ven sông Tiền, trở thành một quê hương hiền hòa, trù phú cho đến xứ sở ngàn hoa vang danh cả nước, Sa Đéc đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho cây kiểng, bon sai; góp phần xây dựng, tô thắm nên bản sắc văn hóa Sa Đéc độc đáo, hun đúc nên những tố chất tài hoa, lịch lãm của người Sa Đéc. Từ làng hoa đến thành phố hoa, những thế hệ tiếp nối vun bồi để Sa Đéc mãi đẹp cho người, cho đời và cho các thế hệ mai sau./.
Theo Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/van-hoa/di-san/giu-gin-net-van-hoa-truyen-thong-cua-lang-hoa-hon-100-tuoi-o-mien-tay-post996857.vov