Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 234 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2023) tại sân khấu trước Nhà hát Thành phố với chủ đề “Đất nước vạn mùa Xuân."
Các nghệ sỹ thể hiện tiết mục “Lên ngôi hoàng đế.” (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Tối 26/1 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão), Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 234 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2023) tại sân khấu trước Nhà hát Thành phố với chủ đề “Đất nước vạn mùa Xuân."
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, đã cùng các đại biểu ôn lại chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử như một minh chứng cho truyền thống quả cảm, không chịu khuất phục của dân tộc ta trước mọi thế lực xâm lăng. Đó còn là truyền thống quyết đánh, quyết thắng quân xâm lược trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Mùa Xuân rực rỡ chiến công ấy đã đi vào lịch sử và lòng người Việt Nam như một mốc son chói lọi nhất.
Bà Trần Kim Yến cho biết nhìn lại một năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng với cả nước đã vượt qua bao thử thách chưa từng có sau đại dịch COVID-19, hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 với những kết quả đáng trân trọng.
Kinh tế thành phố phục hồi nhanh và khá toàn diện, với mức tăng trưởng trên 9%, hoàn thành đạt và vượt 14/19 chỉ tiêu chủ yếu, góp phần tích cực vào thành tựu chung của cả nước.
Cùng với những kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tập trung chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mọi mặt, giải quyết những vấn đề tồn đọng, chăm lo ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khắc phục hậu quả dịch bệnh.
Tết Quý Mão năm nay, toàn hệ thống chính trị thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã cùng nhau vận động, với những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp, để mọi người, mọi nhà đều có một mùa xuân yên vui, sum vầy, ấm áp.
Thay mặt nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Kim Yến cũng gửi lời cảm ơn các chiến sỹ đang ngày đêm chắc tay súng nơi biên cương, hải đảo, làm tròn nhiệm vụ canh giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, những chiến sỹ tuyến đầu sẵn sàng chấp nhận hy sinh cuộc sống riêng để gìn giữ cho sự bình yên, mang về trọn vẹn những mùa xuân yêu thương cho đất nước.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Chương trình sân khấu hóa “Đất nước vạn mùa Xuân” quy tụ sự tham gia của hơn 100 diễn viên, ca sỹ, vũ công, nhạc sỹ... đến từ Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh, các nghệ sỹ: Thanh Ngân, Hữu Quốc, Kim Tử Long, Lê Trung Thảo, Mỹ Hằng, Tâm Tâm, Lâm Tuyền, Thy Trang; các ca sỹ Vân Khánh, Phạm Thế Vỹ, Trang Nhung, Nguyễn Phi Hùng... đã cùng phối hợp biểu diễn 14 tiết mục ca, múa, kịch được dàn dựng bài bản, sáng tạo, đầy tính thẩm mỹ và đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc.
Với 3 chương gồm: "Cờ nghĩa Tây Sơn," "Nghĩa khí Tây Sơn,” “Tây Sơn thành tốc-Đại thắng mùa Xuân,” chương trình được tổ chức một mạch cảm xúc liên tục, đi vào phát triển, phân tích và ca ngợi những đức tính cao cả của người anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, đi sâu vào đặc tả cái "Tài," cái "Tâm," cái "Đức" mà ông để lại cho dân tộc hơn 230 năm lịch sử. Trong đó, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc được tái hiện sinh động qua các nhạc cảnh, tiết mục như: “Dựng cờ khởi nghĩa,” Tây Sơn tụ nghĩa,” “Rạch Gầm dạy sóng,” “Giải phóng kinh thành,” “Đối thoại chân tâm,” “Nước cờ tam điệp,” “Lên ngôi hoàng đế,” “Đường đến Thăng Long,” “Mừng đất nước vạn mùa Xuân”…
Sau 234 năm, hào khí của ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789 xưa vẫn không thôi thúc giục. Từ chiến thắng lịch sử của quân đội Tây Sơn, non sông thu về một mối, đã đánh dấu một mốc son chói ngời của lịch sử chủ quyền và độc lập dân tộc. Từ đó, lưu danh người anh hùng Nguyễn Huệ áo vải cờ đào mà làm nên đại nghĩa; vị hoàng đế chân đất ấy cũng chính là người đã xóa đi cái ranh giới Đàng Trong, Đàng Ngoài đã in hằn qua hai thế kỷ...
Thông qua các tiết mục nghệ thuật của chương trình, tập thể các nghệ sỹ, ca sỹ mong muốn làm "sống lại" những chiến công hiển hách của cha ông cùng những thành tựu của đất nước hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là những kết quả từ quá trình không ngừng ra sức phấn đấu, phát triển toàn diện của Thành phố Hồ Chí Minh để cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của phát triển và hội nhập./.
Theo Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-ky-niem-234-nam-chien-thang-dong-da-lich-su/842934.vnp