Cập nhật: 07/02/2023 14:20:00
Xem cỡ chữ

Hiện nay, công nghệ số đang thúc đẩy nền giáo dục mở, thu hẹp khoảng cách vùng miền, quốc gia. Chuyển đổi số cũng giúp việc quản lý giáo dục khoa học và minh bạch hơn.

Giờ thực hành môn Tin học của học sinh Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Giờ thực hành môn Tin học của học sinh Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được ghi nhận là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm Đào Thị Thủy, từ năm 2000, trường đã phổ cập kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho toàn thể giáo viên và trang bị một phòng học tin học với 30 máy tính để dạy cho học sinh từ lớp 1.

Đến năm học 2015-2016, trường chủ động hợp tác với Microsoft để tập huấn, khai thác và từng bước áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy, học. Đến nay, tất cả giáo viên và học sinh đều có tài khoản Office 365 và được hướng dẫn ứng dụng hiệu quả trong dạy, học. Năm học 2022-2023, trường đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký trở thành trường học điển hình của Microsoft với 174 giáo viên đạt chứng chỉ quốc tế MCE (Nhà giáo dục có năng lực hiểu biết về công nghệ giáo dục toàn cầu) và 21 cán bộ, giáo viên đạt chứng chỉ quốc tế MIEE (Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft).

Mặc dù trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn về kinh phí đầu tư cũng như sự đón nhận của giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi nhưng nhà trường vẫn quyết tâm, kiên định với mục tiêu của mình. Thậm chí việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã trở thành tiêu chí phát triển chuyên môn và đánh giá giáo viên hằng năm.

Trước yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và chuyển đổi số trong giáo dục, ngành giáo dục quận Ba Đình (Hà Nội) đã hướng mục tiêu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, trước năm 2020, ngành giáo dục quận Ba Đình chủ yếu lưu trữ hồ sơ thủ công, nặng về văn bản giấy, điều này gây khó khăn trong tra cứu, chia sẻ thông tin. Cùng với đó, kết nối internet chưa đáp ứng chuẩn, thiếu đồng bộ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế.

Đến nay, ngành giáo dục quận đã khắc phục những hạn chế và triển khai thành công mô hình trường học trực tuyến cho tất cả trường học trên địa bàn. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, năm học 2022-2023, ngành giáo dục Thủ đô với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành các công tác của ngành để phù hợp tình hình thực tế đã bảo đảm công việc được thông suốt, không bị gián đoạn và đạt được những kết quả nhất định.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Từ trung tâm này, ngành giáo dục Thủ đô đã thực hiện quản lý trường học tới tất cả cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên nền tảng cơ sở dữ liệu của ngành; đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường.

Toàn bộ thông tin quản lý giáo dục được cập nhật theo thời gian, chính xác, bảo đảm tính bảo mật. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức phát động giáo viên toàn ngành tham gia xây dựng và thẩm định nguồn học liệu số phục vụ giảng dạy và tự học cho học sinh. Các học liệu sau khi được thẩm định, bảo đảm chất lượng đã được tích hợp vào kho học liệu điện tử của ngành để hỗ trợ kịp thời cho chuyên môn…

Thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục cả nước đạt được một số kết quả quan trọng.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Bình, ngành giáo dục tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thống kê cho thấy, tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được trang bị phòng máy tính, được kết nối internet để dạy học và quản lý hồ sơ, dữ liệu; có 3.093 phòng học thông minh được trang bị bảng tương tác và phần mềm soạn giảng.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số”; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; duy trì việc dạy học trực tuyến…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục cả nước đạt được một số kết quả quan trọng.

Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải cho biết, đối với giáo dục mầm non và phổ thông ngành đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học, như: Số trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính; tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở giáo dục và đào tạo, 710 phòng giáo dục và đào tạo. Qua đó, đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử E-learning có chất lượng (hơn 4.000 bài giảng thuộc chương trình giáo dục phổ thông, hơn 1.000 bài thuộc chủ đề dư địa chí Việt Nam, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình)…

Theo Bài và ảnh: QUÝ TÙNG/nhandan.vn

https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-thuc-day-nen-giao-duc-mo-post737618.html