Bé gái 8 tuổi liên tục xuất hiện tình trạng khát nước, tiểu nhiều, gầy sút cân. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết của bệnh nhi cao gấp 5-6 lần bình thường.
BS Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, trong thời gian qua, khoa đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân từ 7-18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.
Như trường hợp bé gái 8 tuổi đang được điều trị tại khoa. Trước thời điểm vào viện, bệnh nhi liên tục cảm thấy khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm.
Bệnh nhi đang được điều trị tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Ảnh: H.Hải).
Khi được đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám, đường huyết của bé tăng cao 26,1 mmol/l , cao gấp nhiều lần người bình thường.
Sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, bệnh nhi được chẩn đoán đái tháo đường type 1, được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
"Sau gần một tuần điều trị, hiện tại tình trạng của bé đã cải thiện rất tốt, đường huyết đã ổn định hơn, vài ngày tới ra viện điều trị ngoại trú", BS Tuấn thông tin.
BS Tuấn cho biết, đái tháo đường type 1 là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị "đói năng lượng" do không thể tiếp nhận được glucose. Khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường type 1 thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường type 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm Virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo.. hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh.
BS Tuấn hướng dẫn người nhà điều chỉnh chế độ ăn cho bệnh nhi (Ảnh: T.Quỳnh).
BS Tuấn thông tin thêm, đái tháo đường type 1 không phải bệnh di truyền. Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
Căn bệnh này thường chỉ phát hiện khi trẻ có các triệu chứng rầm rộ như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm - khi trước đây trẻ không bị.
Khi bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín)... cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm, cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.
Đái tháo đường type 1 là phải sử dụng insulin điều trị suốt đời. Bên cạnh đó phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp, tuyệt đối không bỏ nhóm tinh bột (Carbonhydrat) mà chỉ giảm lượng phù hợp.
BS Tuấn cũng khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không tin các nội dung quảng cáo chữa khỏi đái tháo đường. Trong thực tế, nhiều bệnh nhân đang kiểm soát bệnh tốt nhờ điều trị, nghe truyền miệng bỏ thuốc, uống thuốc nam, thực phẩm chức năng... khiến đường huyết tăng vọt, có trường hợp nguy kịch, thậm chí ngộ độc tân dược có trong thuốc trôi nổi.
"Đái tháo đường là bệnh mãn tính, phải điều trị suốt đời. Với bệnh đái tháo đường type 1 không có phương pháp dự phòng đặc hiệu. Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo cần đến viện sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp", BS Tuấn nói.
Theo Tú Anh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/be-8-tuoi-khat-nuoc-tieu-nhieu-phat-hien-mac-benh-phai-dieu-tri-suot-doi-20230212160328291.htm