Cập nhật: 24/03/2023 09:16:00
Xem cỡ chữ

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua việc áp dụng các giải pháp và tiện ích như xây dựng website để thông tin và quảng bá sản phẩm cũng như tham gia cung ứng các sản phẩm, hàng hóa trên mạng Internet; gắn mã QR sản phẩm, thanh toán bằng thẻ và ví điện tử; thanh toán trực tuyến; ứng dụng phần mềm bán hàng, quản trị doanh nghiệp, phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số trong hoạt động quản lý và kinh doanh.

Một thuận lợi lớn để chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ là tỷ lệ người dân Vĩnh Phúc ở tuổi trưởng thành có tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng đạt khoảng 57%. Cùng với đó, Vĩnh Phúc hiện có trên 5.000 tên miền, trên 6.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2022, doanh thu từ lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt trên 67.000 tỷ đồng, tăng 20,96% so với năm 2021. Mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 10,8%/năm và nằm trong top 15 cả nước về chỉ số thương mại điện tử hoàn toàn có thể đạt được nếu các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất truyền thống, hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Trong đó, cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng đa dạng, tự động hóa quy trình cung cấp dịch vụ, thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, khai báo và nộp thuế điện tử; hỗ trợ xúc tiến thương mại, phân phối sản phẩm trên các nền tảng số.

Văn Hải