Cập nhật: 19/04/2023 08:47:00
Xem cỡ chữ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Người cho rằng di sản văn hóa dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hóa một đất nước. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng trong việc định hướng, xây dựng chính sách bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 

Với quan điểm khai thác tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc giữ gìn và phát huy các thành tố văn hóa của người dân tộc thiểu số, chính quyền, Nhân dân xã Quang Yên, huyện Sông Lô luôn chú trọng phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan trong các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương.

Khắc sâu lời dạy của Bác “Mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình trong nghệ thuật”, phải “chú ý phát huy cốt cách dân tộc”. Vì vậy, để văn hóa của dân tộc mình không bị mai một, đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô đã quyết tâm giữ gìn và phát huy. Hàng trăm năm qua, đồng bào dân tộc Cao Lan đến xã Quang Yên, huyện Sông Lô định cư và nhiều thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong hành trình ấy, họ vượt qua mọi thử thách để phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trang phục của người Cao Lan xưa người đàn ông mặc áo chàm, mũ nồi, quần nâu. Còn phụ nữ mặc váy chàm, áo bươm bướm, đầu đội khăn chàm. Áo tứ thân đóng cúc ở nách, áo và váy dài đến ngang bụng, chân cuốn xà cạp trắng. Lưng dắt hai dải lục màu hồng và xanh lơ, buông dài phía trước ngang bằng gấu váy. Ngày nay, phụ nữ Cao Lan mặc áo nối thân, từ hai tay áo đến giữa ngực và lưng màu hồng, đỏ, phần dưới áo là màu chàm hoặc đen, tạo sự hài hòa, đẹp mắt. Đồ trang sức, phụ nữ Cao Lan đeo từ 1 đến 3 vòng cổ, tay đeo 1-2 vòng, có chùm dây xà tích. Tất cả đều bằng bạc.

Đời sống văn hoá, văn nghệ của đồng bào Cao Lan rất phong phú. Đặc trưng là điệu hát Sình Ca (hát ví) và các điệu múa dân gian. Tiêu biểu như: Múa Chim gâu, Xúc tép, khai đèn, múa dâng hương, dâng hoa, múa giã cốm, múa tra hạt… Trong đó, có nhiều điệu múa được câu lạc bộ Dân ca, dân vũ xã Quang Yên, huyện Sông Lô khôi phục và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, thường biểu diễn trong các lễ hội, liên hoan văn hoá, văn nghệ các cấp.

Đặc biệt, lễ hội truyền thống đầu năm của đồng bào Cao Lan đó là Lễ hội Lồng tồng (hay lễ hội xuống đồng) được xã Quang Yên, huyện Sông Lô duy trì gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, lễ vật do Nhân dân đóng góp là những sản vật của địa phương dâng lên Thành hoàng làng, thánh, thần… cầu mong một năm gặp nhiều may mắn, mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Phần hội với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian phong phú, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho mọi người sau một năm tích cực lao động, sản xuất vất vả. Những năm gần đây, làn điệu Sình ca luôn là tiết mục mở màn trong lễ hội Xuống đồng - nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan, được du khách đón nhận với vai trò của một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.

Không chỉ vậy, nét đẹp văn hóa của bà con dân tộc Cao Lan còn được thể hiện qua những món ăn dân tộc như: Bánh chưng, bánh dầy, bánh dợm, bánh chim gâu, xôi ngũ sắc… Bên cạnh đó, tục lệ ma chay, cưới hỏi đã được các dòng họ lưu giữ, bảo tồn.

Trên địa bàn xã Quang Yên, huyện Sông Lô hiện có trên 400 hộ dân tộc Cao Lan sinh sống với gần 2.000 nhân khẩu. Trước đây, người dân tộc Cao Lan đều ở nhà sàn, nhưng hiện nay, hầu hết các gia đình đã chuyển sang ở nhà xây, chỉ còn một vài hộ ở nhà sàn. Những ngôi nhà sàn nằm ẩn khuất, thấp thoáng sau những tán lá xanh tươi tạo nên một vẻ đẹp mộc mạc, trữ tình. Nhà có 3 gian, để vào được nhà phải bước lên những bậc cầu thang gỗ.

Mặc dù trẻ tuổi, song, anh Trần Văn Thọ ở thôn Đồng Dong xã Quang Yên rất đam mê tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình. Anh sưu tầm rất nhiều món đồ cổ của dân tộc Cao Lan ở các địa phương trong và ngoài tỉnh về trưng bày tại nhà. Thay vì xây nhà bằng gạch, xi măng như các gia đình khác, năm 2015, vợ chồng anh dựng nhà theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Cao Lan.

Với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc trưng, đồng bào dân tộc Cao Lan xã Quang Yên đã và đang cùng với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Sông Lô tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc dân tộc mình ở địa phương. Từ đó, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Sông Lô nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung./.

Thúy Hơn