Nhờ công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ với việc đồng bộ hệ thống logistics từ giao nhận đến kho bãi thông minh đã tạo ra sự thay đổi lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua liên tục có bước tăng trưởng nhanh và ấn tượng, song nhiều bất cập liên quan đến giá cước vận chuyển, chi phí kho bãi, kho vận (logistics)... đã tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp.
Đây là nội dung chính được bàn thảo tại Hội thảo: "Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 27/4, tại Hà Nội.
Chi phí logistics còn cao: Do đâu?
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỷ USD trong năm 2019 và đạt trên 545 tỷ USD trong năm 2020. Đáng chú ý, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt gần 670 tỷ USD và vượt 730 tỷ USD vào năm 2022.
Tuy vậy, tỷ lệ chi phí logisics tính trên GDP của Việt Nam vẫn còn cao hơn so với thế giới. Dẫn số liệu này, ông Đinh Hoài Nam, đại diện Công ty GLP cho hay mặc dù đã có nhiều điều chỉnh, song chi phí logistics năm 2022 của Việt Nam ở mức khoảng 16,8% cao hơn so với mức trung bình của thế giới (khoảng 10%).
Mặt khác, sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử (với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 20%) cũng đòi hỏi sự thay đổi đối với ngành logistics nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu về vận chuyển hàng hóa.
Ông Nguyễn Triều Quảng, Giám đốc Khối vận hành miền Bắc của Lazada logistics Việt Nam nêu những thách thức đặc thù mà logistics ngành Thương mại điện tử phải đối mặt, đó là việc quản lý chất lượng đồng nhất.
Theo đó, khách hàng đòi hỏi ngày càng cao hơn về thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, khi số lượng đơn hàng ngày càng nhiều với những chủng loại, kích thước, yêu cầu lưu trữ khác nhau… cần đảm bảo cơ sở hạ tầng được xây dựng đủ vững chắc để đáp ứng được áp lực trên một cách chính xác và hiệu quả.
“Khi số lượng phương tiện vận tải giao hàng ngày càng nhiều và yêu cầu giao nhận ngày càng lớn dễ gây sức ép lên môi trường và hệ sinh thái,” ông Nguyễn Triều Quảng nói.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics cũng còn những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi lên như: Chi phí dịch vụ logistics còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...
"Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là ứng dụng công nghệ số chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới," ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Tạo đột phá từ chuyển đổi số
Thực tế cho thấy nhờ công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ với việc đồng bộ hệ thống logistics từ giao nhận đến kho bãi thông minh đã tạo ra sự thay đổi lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tân cảng Sài Gòn, sản phẩm Cảng điện tử ePort là một trong những đề án thành công về đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ trong các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp.
Với ứng dụng này, khách hàng chỉ cần thao tác khai báo thông tin trên hệ thống, từ việc khai báo thông tin container, thông tin hàng hóa, khai báo tờ khai, thanh toán, cho đến khai báo lệnh giao hàng điện tử (với hàng nhập), vào sổ tàu online (với hàng xuất)... Nhờ đó, giúp giảm thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/cont.
“Tân cảng Sài Gòn tiết kiệm khoảng 30.000- 50.0000 tờ giấy/ngày tại Cảng Cát Lái phục vụ chứng từ in ấn, giảm 3.000-5.000 lượt xe/ngày di chuyển từ Trung tâm thành phố và khu vực văn phòng Hãng tàu đến Cảng. Hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ giao thông trong và ngoài khu vực cảng Cát Lái, giúp tăng sản lượng giao nhận cổng từ 11.000 lượt xe/ngày lên 19.000-20.000 lượt xe/ ngày,” ông Trương Tấn Lộc dẫn chứng.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, việc phát triển giải pháp vận tải xanh với phương thức vận tải bằng sà lan, giúp giảm thiểu tối đa khí CO2 ra môi trường.
Ông Trương Tấn Lộc cho hay, lợi ích của sà lan được thể hiện thông qua lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi tấn hàng vận chuyển.
Đơn cử, cùng 1 lít nhiên liệu để chuyên chở cùng 1 tấn hàng, sà lan có thể đi được 85 km trong khi xe đầu kéo chỉ có thể di chuyển 1 khoảng cách xấp xỉ 10 km. Mặt khác, vận chuyển bằng sà lan thường cách xa các khu vực dân cư đông đúc, giúp giảm thiểu vấn đề tiếng ồn, ô nhiễm môi trường dân cư, phù hợp với quy hoạch đô thị hóa của các tỉnh thành phố…
Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty SLP cho hay trong thời đại công nghệ số, nhà kho hiện đại đang thay thế nhà kho truyền thống là điều tất yếu của sự phát triển ngành logistics, lý do cho sự thay đổi này là do nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Nhà kho hiện đại được trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển. Điều này là yếu tố quan trọng giúp ngành logistics phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Dẫn chứng về hiệu quả của kho thông minh (nhà kho Net-Zero) đầu tiên trên thế giới tại Anh, ông cho hay, với sự phát triển của kho thông minh đã có 4.263 tấn carbon giảm trong quá trình xây dựng và cận hành dự án.
Hơn nữa, việc quy hoạch tập trung kho bãi với diện tích lớn, áp dụng các công cụ và dịch vụ tiên tiến vào hoạt động logistics từ đó có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả và cải thiện trải nghiệm khách hàng đối với dịch vụ logistics.
"Các công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đã giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác của hoạt động kho hàng. Các hệ thống kho thông minh cung cấp thông tin chi tiết về quy trình lưu trữ, vận chuyển và quản lý hàng hóa, giúp tối ưu hóa tất cả các hoạt động này," ông Đinh Hoài nam cho hay./.
Cũng tại hội thảo, Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 đã được Bộ Công Thương công bố. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản cuốn sách này.
Báo cáo có một số nội dung mới như: Thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030; cập nhật về kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…
Theo báo cáo, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 lần lượt là: Thành phố Hồ Chí Minh có kim ngạch 47.545.537.771 USD; Bắc Ninh 45.062.954.539 USD; Bình Dương 34.332.291.545 USD; Thái Nguyên 29.880.822.193 USD; Hải Phòng 24.956.949.890 USD; Đồng Nai 24.600.045.278 USD; Bắc Giang 22.628.594.217 USD; Hà Nội 17.131.320.127 USD; Phú Thọ 11.800.308.391 USD; Hải Dương 10.461.101.116 USD...
|
Theo Đức Duy (Vietnam+) - 27/04/2023
https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-so-huong-di-ben-vung-de-phat-trien-linh-vuc-logistics/859504.vnp