Cập nhật: 30/04/2023 09:35:00
Xem cỡ chữ

Gần 50 năm đã trôi qua, kỷ niệm về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn đậm sâu trong ký ức những người đã đi qua cuộc chiến. Khúc khải hoàn ca như vẫn ngân vang, gợi nhớ cuộc trở về sau một hành trình dài đầy gian khổ mà quá đỗi tự hào.

Ký ức một thời hoa lửa, những kỷ niệm và nỗi đau của chiến tranh luôn khắc sâu trong mỗi gia đình, mỗi người lính cụ Hồ bước ra từ cuộc chiến. Với lời thề và lí tưởng của một thế hệ anh hùng, những chàng thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi đã tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc với ý chí cùng lòng yêu nước nồng nàn và niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng. Với niềm tin đó, đã tạo nên một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Một thời đại anh hùng mà cả một dân tộc cùng nhau đứng lên chiến đấu, trong mỗi nếp nhà, trong mỗi gia đình thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước cùng đứng lên kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Vượt qua mọi gian khó, vượt qua mưa bom bão đạn, những choáng ngợp ban đầu của những chàng thanh niên vừa rời ghế nhà trường đã vào chiến trường, kề vai sát cánh bên nhau để đánh giặc. Một cuộc chiến mà cả thế giới đã cho rằng giống như châu chấu đá voi. Có những người lần đầu ra trận, lần đầu thấy nhiều vũ khí đến vậy và lần đầu thấy địch cao to đến vậy… Chính những chiến sĩ đó đã trở thành hình tượng trong những bản trường ca. 

Là một chiến sĩ đã tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, Ông Chu Quang Sáng xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên không biết đã bao lần vào sinh ra tử. Nhưng quãng thời gian làm nhiệm vụ lái đò trên song PoKo vẫn là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của ông. 10 năm liền lấy đêm làm ngày, lái con thuyền độc mộc trở bộ đội và vũ khí qua sông dưới mưa bom, bão đạn. Với ông Sáng nếu ai ở chiến trường đó thì sống được đã là một anh hùng rồi.

Với mỗi người lính, sự mất còn trong chiến tranh là điều tất nhiên không sao tránh khỏi. Có những người lính một thời đã là liệt sĩ, di ảnh đã được đưa rước lên ban thờ cùng nỗi đau của người thân; rồi lại bất ngờ trở về trong sự vui sướng đến tột

“Từ đau thương quằn quại trở về đây

Từ những ngày nghẹt khói đạn cay

Môi nứt lưỡi khô, cổ không hớp nước

Đầu trần, chân đất tay không xé rào gai

Xóa bỏ mây mù cho hoa xuân đua nở

Cho lời mẹ ru con…

Cho thuyền xưa trở về bến cũ”

Trong chiến tranh, người bị thương quá nặng nên bị báo tử nhầm, người bị bắt trong những trận càn cả đơn vị chẳng còn một ai nên gửi giấy báo tử… Sự hi sinh mất mát trong chiến tranh là điều không tránh khỏi, nhưng với mỗi gia đình đó vẫn mãi là một nỗi đau không gì bù đắp.

Ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử, về ngày đại thắng 30/4/1975 vẫn vang vọng trong tâm trí, nóng hổi trong ký ức của những người lính. Với ông Nguyễn Văn Tụng, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, giờ đây khi gợi nhớ về thời khắc lịch sử ấy tim ông vẫn còn thổn thức. Đi trong đoàn quân giải phóng ông ấn tượng nhất về hình tượng:

“ Bỗng có bà má già nước mắt rưng rưng

Níu tay, ngó mặt từng người

Lập cập tìm con, giữa rừng giải phóng

…. Nhưng má ơi! Chiến tranh vô cùng nghiệt ngã

Tan hoang, chết chóc, hận thù”

Những câu thơ chưa từng được công bố, ông Nguyễn Văn Tụng viết trong những ngày hành quân tiến vào ổn định Sài Gòn sau khi giải phóng. Bởi chính ông cũng không biết rằng, người mẹ của ông đang đau đớn khi nghe tin con mình đã mất và được đưa lên bàn thờ. Niềm vui gặp lại gia đình khi đất nước hoàn toàn giải phóng như được nhân đôi với những gia đình có con từ cõi chết trở về.

Niềm tin vào sự chiến thắng của chính nghĩa, niềm tin của thế hệ trước vào thế hệ sau đã tạo nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, trong cái bắt tay thật chặt, những người đồng đội thời chiến lại có dịp cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa. Niềm hân hoan, rạo rực như mới ngày hôm qua trong thời khắc lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người lính năm xưa.

Cuộc sống đã đổi thay nhưng huyền thoại bộ đội Trường Sơn, người lính Cụ Hồ vẫn còn đó, những con người từng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng để quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Họ đang sống bình dị giữa đời thường. Họ chiến đấu bằng niềm tin và niềm tự hào dân tộc. Họ cũng tin rằng những thế hệ trẻ sau này có thể tiếp tục viết tiếp bản hùng ca chiến thắng trên tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để giữa thời bình hôm nay, những câu chuyện, bài hát về ngày giải phóng, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối vẫn cứ vang ngân về một thời kỳ “lửa và hoa” hào hùng của dân tộc./.

Thùy Chung