Cập nhật: 18/05/2023 08:52:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện lời căn dặn của Bác “Non sông, gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực. Qua đó, khơi dậy tinh thần thi đua, học tập, lao động sáng tạo, thực hành tiết kiệm trong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.

Chiếm hơn 50% dân số của tỉnh, phụ nữ Vĩnh Phúc đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là lực lượng tiên phong trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo Bác.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản, hướng dẫn thực hiện; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức cho hội viên ký cam kết thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua như: “Xây dựng người phụ nữ Vĩnh Phúc thời đại mới có đạo đức, có kiến thức, có sức khỏe, có trách nhiệm với gia đình và xã hội”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ đã xây dựng nhiều mô hình học tập và làm theo Bác gắn với những việc làm thường xuyên, hng ngày của các hội viên phụ nữ qua đó tạo sức lan tỏa, giúp đỡ được nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Sáng, thôn Trại Dật, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên đã xây dựng được một cơ sở may màn có uy tín, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều phụ nữ ở địa phương. Chị Sáng là 1 trong 15 phụ nữ được Hội LHPN tỉnh vinh danh vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp sau đó chị đi làm công nhân giày da. Năm 2009, chị nghỉ việc, vay vốn đầu tư 10 máy may công nghiệp, chuyên may gia công màn tuyn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, lúc đầu công việc sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn những nhờ sự hỗ trợ vốn vay và được Hội Phụ nữ các cấp tạo điều kiện cho tham gia các chương trình tập huấn kiến thức, đến nay, xưởng may của gia đình đã được đầu tư khang trang với 30 máy may, 4 máy vắt sổ, tạo việc làm cho gần 40 lao động địa phương với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Sau gần 15 năm hoạt động, xưởng may của chị Sáng đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều phụ nữ khó khăn trên địa bàn. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, chị Sáng còn là hội viên phụ nữ năng nổ, nhiệt tình. Chị luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do chi hội phụ nữ của thôn, Hội phụ nữ xã đề ra.

Hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh luôn học Bác từ những điều giản dị nhất, bước đầu là học tập sau đó là làm theo đã trở thành tự giác và thường xuyên lúc. Những mô hình “hũ gạo tiết kiệm”, “hũ gạo tình thương” hay CLB "chia sẻ yêu thương” của phụ nữ xã Triệu Để là minh chứng cho sự học tập và làm theo từ những điều giản dị đó. Từ việc chia sẻ một chút gạo khi đi xay sát để giúp đỡ chị em phụ nữ lúc khó khăn đến gom nhặt những phế liệu để bán lấy tiền làm từ thiện. Đây đều làm những việc làm hằng ngày nhưng lại mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, học tập và làm theo Bác, đến nay, 100% cơ sở Hội xây dựng được mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, giúp phụ nữ nghèo do phụ nữ làm chủ; 634 mô hình, câu lạc bộ thực hành tiết kiệm theo gương Bác, với 50.848 thành viên.

Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh sẽ đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, Đề án của Chính phủ. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động của các mô hình; duy trì, nhân rộng các mô hình “tiết kiệm, làm theo gương Bác”, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội./.

Thùy Chung