Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030. Khởi động thực hiện Đề án, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã và đang triển khai các kế hoạch, giải pháp tập trung phát triển, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý điều hành; đặc biệt là nhân rộng những mô hình hiệu quả, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ngày 17/3, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động đề án của Chính phủ “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030. Cũng tại Hội nghị, đại diện UBND, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã bấm nút khởi động đề án của Chính phủ “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.
Theo Đề án Chính phủ đã phê duyệt đầu năm 2023, mục tiêu hướng đến năm 2030 là tiếp tục củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Các nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất - kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Theo đó, UBND tỉnh cũng đã đề ra kế hoạch số 129 về triển khai thực hiện Quyết định số 01 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ.
Cũng theo kế hoạch số 129, đề án sẽ ưu tiên các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ chế biến sâu, phát huy ngành nghề truyền thống, khôi phục văn hóa, khai thác tài nguyên bản địa. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là , nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho 30 HTX, 8 THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; tạo việc làm ổn định cho 80% thành viên, lao động nữ trong HTX, THT. 100% nữ quản lý HTX được đào tạo, bồi dưỡng. Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới từ 10 HTX do phụ nữ tham gia quản lý.
Với vai trò chủ đạo trong thực hiện đề án, năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể với việc tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, Tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ. Qua đó đáp ứng được mong mỏi của nhiều hội viên phụ nữ trong quá trình điều hành HTX.
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT tổ chức 10 lớp tập huấn tuyên truyền về Luật HTX; hỗ trợ thành lập và duy trì 25 Tổ hợp tác, tổ liên kết; phối hợp thành lập 4 HTX sản xuất, kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thủ công mỹ nghệ. Qua đó góp phần giúp các tổ trưởng tổ hợp tác, giám đốc HTX năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm hướng đi riêng cho cơ sở của mình, dẫn dắt các thành viên tiếp cận sản phẩm và thị trường mới.
Để thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra, trước mắt, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh triển khai giải pháp tiếp tục đổi mới phù hợp trong thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu mà Đề án của Chính phủ đã nêu rõ. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng tầm các mô hình phát triển kinh tế của hội viên, phụ nữ tỉnh nhà. Đối với những mô hình có quy mô tiềm năng thì Hội sẽ vận động, hỗ trợ chị em nâng lên thành các tổ liên kết, Tổ hợp tác rồi đến HTX.
Mạnh dạn, tự tin, dám nghĩ, dám làm, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã và đang khởi nghiệp thành công với mô hình kinh tế hợp tác. Nhiều hợp tác xã do phụ nữ làm chủ đã trở thành điểm tựa phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu cho thành viên. Đó là HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông lâm sản Lộc Thúy Quỳnh.
Sau nhiều năm lăn lộn với đủ thứ nghề, năm 2018, chị Trần Thị Thúy, xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô đã liên kết với một số hộ dân trong huyện, thành lập Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ Nông Lâm sản Lộc Thúy Quỳnh chuyên trồng rau, quả sạch. Năm 2020, sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã là thanh long ruột đỏ đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Hiện nay, Hợp tác xã có gần 14 ha thanh long ruột đỏ được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Sản phẩm thanh long không chỉ được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố thông qua thương lái mà còn tiếp cận được với kênh phân phối hiện đại như: Siêu thị Coop mart Vĩnh Phúc, Việt Trì, các cửa hàng rau quả sạch ở Hà Nội, trên các sàn thương mại điện tử.
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2022, Hợp tác xã chính thức cho ra mắt sản phẩm mỳ thanh long và nhận được những phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng ra mắt đã tiêu thụ hơn 4 tấn mỳ thanh long với doanh thu 280 triệu đồng. Để đa dạng sản phẩm chế biến từ nông sản, nhất là từ quả thanh long, góp phần gia tăng về giá trị, đồng thời, cải thiện kinh tế đối với nông dân, Hợp tác xã đã đầu tư thêm máy móc để sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm mới như: Thanh long sấy lạnh, rượu vang thanh long, nước ép thanh long, sữa chua thanh long, trà hoa thanh long, bột rau má, bột tía tô. Đặc biệt, trong năm 2023 HTX Lộc Thúy Quỳnh còn vinh dự là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc được vinh danh.
Cũng khởi nghiệp và thành công từ mô hình nông nghiệp, chị Văn Thị Yến xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường đã và đang xây dựng mô hình nông trại của gia đình phát triển thành một HTX nông nghiệp. Những năm gần đây, thương hiệu rau sạch và các sản phẩm củ quả của Đào Gia Trang đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Nhưng phía sau thành công đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của của chị Văn Thị Yến - người tiên phong trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện Vĩnh Tường.
Sau một thời gian thử nghiệm, mô hình trồng rau sạch trong nhà kính cho hiệu quả rõ rệt, sản lượng rau cho thu hoạch năng suất cao gấp 2 - 3 lần khi trồng tự nhiên. Cuối năm 2021, chị Yến đã đầu tư 6.000m2 nhà màng, nhà kính trồng một số loại cây ăn quả cho năng suất cao như dưa lưới Nhật, dưa lê cẩm ngọc và dưa lê bạch ngọc. Cuối năm 2022, chị đầu tư thêm 200 gốc nho sữa Hàn Quốc trên diện tích 2.000m2. Nhờ chịu khó học hỏi và tìm hiểu kỹ quy trình chăm sóc cây trồng, mỗi năm, trang trại của chị Yến cho thu hoạch từ 8 - 9 tấn dưa lưới Nhật, gần 20 tấn dưa lê bạch ngọc, dưa lê cẩm ngọc, 4 - 5 tấn dưa leo Nhật; sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 300 - 400 triệu đồng.
Được sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành nông nghiệp trong tỉnh, với diện tích quy mô và các loại rau quả ngày càng được mở rộng, chị Yến chuẩn bị mở rộng và đăng ký thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Đào Gia Trang nhằm thu hút được nhiều thành viên cùng tham gia mô hình trang trại sạch, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho người tiêu dùng. Với dự định không xa, chị Yến ấp ủ xây dựng trang trại nông nghiệp của mình áp dụng hoàn toàn công nghệ 4.0 và phát triển khu du lịch sinh thái nhỏ tại đây để mọi người có thể đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.
Để thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ làm quản lý, trong thời gian tới, ngoài phát huy nền tảng, nội lực sẵn có thì các cấp Hội đang hướng đến kế hoạch sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với đơn vị, ngành chức năng; cần sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự đồng thuận của doanh nghiệp, hội viên, phụ nữ… để đạt được sự đồng bộ, hiệu quả cao từ khâu quán triệt cho đến thực hiện. Khi triển khai có hiệu quả, Đề án không chỉ giúp hội viên, phụ nữ phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế tập thể mà còn có ý nghĩa quan trọng để giúp phụ nữ tham gia một cách chủ động vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thùy Chung