Cập nhật: 22/10/2024 21:03:00
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, các tổ chức hội, hội viên, phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hai do thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người dân Vĩnh Phúc chưa quên những hình ảnh mưa to gây lũ lụt tại một số địa phương chịu ảnh hưởng trong cơn bão số 3 diễn ra vào đầu tháng 9/2024. Để kịp thời hỗ trợ Nhân dân vùng lũ, không chỉ có phái mạnh mà phụ nữ cũng là một trong những lực lượng thường xuyên có mặt tại các địa bàn trọng yếu. Họ cùng với lực lượng chức năng đắp đê, kè bờ bao ngăn nước lũ và giúp người dân đảm bảo an toàn. Nhờ có tinh thần đoàn kết, chủ động của các cấp, các ngành, trong đó phải kể đến những đóng góp tích cực của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh.

Xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Hàng nghìn gốc chuối tiêu hồng ở thôn 2 Ngọc Long, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc đang chuẩn bị cho thu hoạch thì bị gãy đổ, hàng trăm gốc bưởi bị ngập nước, rất nhiều gia súc, gia cầm phải di dời.... Thế nhưng người dân nơi đây vẫn thường nói với nhau rằng “ còn người là còn của”.

Trực tiếp đến thăm mô hình trồng bưởi nhà bà Thu tại thôn Ngọc Long, nhìn những trái bưởi sắp đến ngày thu hoạch nhưng do ngập nước mà rụng đầy gốc. Bà cùng gia đình phải đi gom lại một chỗ để vùi chúng xuống đất, xót xa, tiếc nuối nhưng vẫn tự an ủi rằng người vẫn còn, cây vẫn còn chờ mùa vụ sau.

Với gia đình bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Ngọc Long, xã Hồng Châu, chưa bao giờ bà được chứng kiến nước dâng cao đến vậy trong 20 năm trở lại đây. Gần 300 con bò nhà bà đã được giúp đỡ di tản trong những ngày trang trại nhà bà chìm trong biển nước.

Ngay sau khi nước rút, hội viên phụ nữ xã Hồng Châu lại cùng nhau bắt tay vào khôi phục sản xuất. Toàn bộ diện tích cây trồng phía ngoài đê thuộc 2 thôn Ngọc Long và Ngọc Đường nhanh chóng được khôi phục. Những bãi ngô, bãi cỏ voi đang bắt đầu xanh tốt, người dân lại quên đi những ngày mưa lũ trước đó.

Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp, gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc, mưa đá hơn mức bình thường. Đặc biệt bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Để kịp thời tuyên truyền ứng phó với thiên tai, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức hoạt động tuyên truyền với phương châm '4 tại chỗ, 3 sẵn sàng': Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; và "3 sẵn sàng": Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả". Đặc biệt sự tham gia của phụ nữ trong quá trình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu là đặc biệt có giá trị, giúp “hồi sinh” các cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Ngay sau thiên tai, bão lũ, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường, chung tay chia sẻ vật chất và tinh thần cho hội viện bị thiệt hại. Những hoạt động về bảo vệ môi trường luôn được các cấp hội phụ nữ Vĩnh Phúc chủ động triển khai thực hiện. Thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ được giảm thiểu khi có sự chủ động phòng ngừa, ứng phó, đặc biệt với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Cùng chung tay thay đổi tư duy và hành động trong phòng chống thiên tai ngay bây giờ để đảm bảo cho xã hội an toàn hôm nay và mai sau.

Thùy Chung