Phát huy vai trò trong phát triển kinh tế tập thể, nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công với các mô hình, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao. Thành công của các mô hình hợp tác xã, tổ sản xuất do phụ nữ làm chủ không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn khẳng định vai trò, vị thế, bản lĩnh của người phụ nữ trong xã hội.
Nhằm khuyến khích phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, năm 2023, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý. Đến nay, các mô hình đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Thời gian tới, những mô hình có triển vọng sẽ tiếp tục được hỗ trợ theo đề án Hồ trợ Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ đến năm 2030 của Chính phủ đề ra.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý hiện có tổng số hơn 600 hộ thành viên, với gần 2.500 thành viên. Hợp tác xã có tổng diện tích canh tác hơn 150 ha. Cây trồng chính là lúa 2 vụ và 1 vụ cây đông. Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Lý đã mạnh dạn đầu tư, lên phương án hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với quy trình sản phẩm và hoàn thiện thủ tục hành chính như: đăng ký chứng nhận kinh doanh Nông nghiệp, đăng ký chứng nhận mẫu đất, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; các hợp đồng mua bán giống, sản phẩm và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ.
Trải qua nhiều khó khăn, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý đã kiên trì và từng bước tiếp cận những thành quả khoa học công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp áp dụng vào sản xuất với các mô hình hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hợp tác xã phát triển cả về qui mô diện tích gieo trồng và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý đã tích tụ được 20 - 30ha ruộng đất, tạo việc làm cho 300 - 500 lượt lao động, nhất là lao động nữ với thu nhập trung bình từ 4,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu của Hợp tác xã từ các khâu dịch vụ bình quân mỗi năm từ 6 - 7 tỉ đồng. Với những giải pháp cụ thể, phát huy tinh thần đoàn kết của các thành viên, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực quản lí, là nền tảng tạo sự phát triển bền vững cho Hợp tác xã và góp phần phát triển hơn nữa thương hiệu nông sản của Vĩnh Phúc.
Tại huyện Tam Dương, mô hình Tổ liên kết sản xuất rau sạch của Chi hội phụ nữ tổ dân phố Liên Bình, thị trấn Hợp Hòa hiện thu hút 30 hội viên tham gia. Sự phát triển của mô hình đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Những loại cây trồng phổ biến như ớt, rau sạch, bí, ngô, dưa chuột… được trồng tập trung. Vì vậy sản lượng cũng như đầu ra sản phẩm ổn định, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Trong quá trình vận hành tổ hợp tác, Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn thường xuyên mở các lớp tập huấn, kỹ thuật cho các hội viên. Thông qua đó các sản phẩm được đảm bảo hơn.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 01 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 156 nhằm đẩy mạnh triển khai đề án trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của 20 Hợp tác xã, 5 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; tạo việc làm ổn định cho 80% thành viên, lao động nữ trong Hợp tác xã. Được tiếp sức, các mô hình kinh tế tập thể tiếp tục giúp chị em hình thành tư duy, năng động, sáng tạo hơn trong quá trình vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, đồng thời đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Thùy Chung