Cập nhật: 17/05/2023 10:10:00
Xem cỡ chữ

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc lọt top 10 địa phương về chuyển đổi số thì việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến là giải pháp quan trọng.

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3, 4, trong đó có 792 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đến nay, đã kết nối 744 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho các tổ chức, cá nhân, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng tính công khai, minh bạch khi giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tổ chức, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi; việc tra cứu thông tin về thủ tục, tình trạng hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi. Còn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, người sử dụng sẽ nhận được kết quả giải quyết thủ tục hành chính gửi qua đường bưu điện; thực hiện thanh toán phí, lệ phí, cước phí bưu chính theo quy định mà không cần đến cơ quan Nhà nước.

Cùng với đó, ứng dụng phần mềm liên thông giữa Cổng dịch vụ công Quốc gia đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm giấy tờ, giảm công sức và thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, công dân. Hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, ngoài sự nỗ lực từ phía chính quyền thì người dân, doanh nghiệp cần tích cực sử dụng các dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp để tạo thói quen, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và bảo đảm thuận tiện./.

Văn Hải