Ngày 21/5/1973, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/-CP Quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm Nhân dân.
Trải qua 50 năm, được sự lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp của các Ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân trong tỉnh, lực lượng Kiểm lâm Vĩnh Phúc đã không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Những chặng đường phát triển
Từ khi được thành lập năm đến nay, hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Kiểm lâm được hình thành và phát triển qua bốn giai đoạn. Từ 1973-1979, lực lượng Kiểm lâm được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện.
Ở cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Nhân dân trực thuộc Cục Kiểm lâm Nhân dân; ở cấp huyện, Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Nhân dân. Giai đoạn từ 1980-1994, lực lượng kiểm lâm được tổ chức theo mô hình ở cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Nhân dân trực thuộc Ty Lâm nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp&PTNT); ở cấp huyện, Hạt Kiểm lâm Nhân dân trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Giai đoạn từ 1995-2006, lực lượng kiểm lâm được tổ chức theo mô hình ở cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh; ở cấp huyện có Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Giai đoạn từ năm 2007 đến nay, lực lượng kiểm lâm được tổ chức theo mô hình ở cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ở cấp huyện, Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm Lâm.
Qua mỗi giai đoạn phát triển dù mô hình tổ chức có khác nhau song lực lượng Kiểm lâm nói chung, trong đó có lực lượng Kiểm Lâm Vĩnh Phúc đã không ngừng vượt khó, nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tin tưởng giao phó. Ký ức gian khó và niềm tự hào về truyền thống vẻ vang 50 năm vẫn được các thế hệ Kiểm Lâm Vĩnh Phúc lưu giữ.
Tự hào viết tiếp truyền thống
Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, lực lượng kiểm lâm Vĩnh Phúc đã và đang không ngừng lớn mạnh, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức kiểm lâm Vĩnh Phúc có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ để hoàn tốt nhiệm vụ được giao.
Vĩnh Phúc hiện có khoảng 27% đất tự nhiên quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, tương đương với trên 33.434 ha. Trong đó, rừng đặc dụng là 15.784 ha, chiếm 47,2%, rừng phòng hộ là 4.157 ha, chiếm 12,4%, rừng sản xuất là 13.491 ha chiếm 40,4%. Và để phát huy vai trò nòng cốt, cán bộ Kiểm Lâm Vĩnh Phúc đã chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận thực hiện của Nhân dân trong chung sức bảo vệ, phát triển rừng.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc có 42 công chức, 04 lao động hợp đồng 161. Trong đó có 41 cán bộ là đảng viên và gần 87% cán bộ có trình độ Đại học và trên Đại học. Nhờ phát huy tốt tinh thần đoàn kết, sáng tạo nên lực lượng Kiểm Lâm Vĩnh Phúc đã phát huy tích cực là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về công tác này.
Về công tác tham mưu, 50 năm qua, Kiểm lâm Vĩnh Phúc đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành hàng chục chỉ thị, nghị quyết, đề án và ban hành gần 15 ngàn Quyết định về giao đất lâm nghiệp, giao rừng. Từ đó, làm tăng hiệu quả sự chỉ đạo toàn diện của cấp uỷ và chính quyền, nâng cao hiệu lực thi hành của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân góp phần từng bước xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm Lâm đã thực hiện kiểm kê rừng theo định kỳ, thống kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp được ứng dụng công nghệ thông tin số hóa bản đồ và cơ sở dữ liệu hằng năm phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho các cấp và chủ rừng trong quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về công tác Phòng cháy chữa cháy rừng, hằng năm lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức tham mưu và xây dựng lực lượng, xây dựng phương án PCCCR từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và các chủ rừng. Ngoài ra, các Hạt kiểm lâm đều có sự phân công, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tuần tra kiểm soát lửa rừng trong những ngày cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ rừng mùa khô hanh.
Từ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Kiểm lâm và sự cố gắng của các chủ rừng nên số vụ cháy và quy mô cháy rừng ngày càng giảm dần, các vụ cháy rừng xảy ra luôn được tổ chức chữa cháy kịp thời, đảm bảo phương châm 4 tại chỗ. Thông qua các giải pháp đồng bộ mỗi người dân và chủ rừng đều ý thức thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.
Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm Lâm Vĩnh Phúc còn chú trọng thực hiện hiệu quả công tác phát triển rừng, trồng cây phân tán và các hoạt động xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực lâm nghiệp. Qua nhiều thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội với cơ chế chính sách thay đổi, rừng Vĩnh Phúc đã bị suy giảm nhiều về chất lượng. Hàng chục năm trở lại đây, với chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng nên diện tích rừng tự nhiên phục hồi tái sinh tăng, nhiều diện tích rừng nghèo có khả năng tái sinh đã trở lại màu xanh, độ che phủ của rừng từ 12,1% (năm 1985) tăng lên 23,4 % (năm 2012) và đạt 25% từ năm 2020 đến nay.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trồng cây, trồng rừng và phát động “Tết trồng cây”, hằng năm, lực lượng Kiểm lâm từ tỉnh đến cấp huyện đều tham mưu xây dựng và là nòng cốt trong tổ chức thực hiện kế hoạch “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của tỉnh và các huyện, thành phố. Kết quả, tháng phát động Tết trồng cây hằng năm, toàn tỉnh luôn đảm bảo trồng từ 230-250 ngàn cây các loại đảm bảo chất lượng, đạt tỷ lệ sống cao.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 60 vườn ươm cây giống lâm nghiệp trong đó có 05 đơn vị sản xuất kinh doanh có quy mô lớn còn lại là các vườn ươm nhỏ lẻ của các hộ gia đình, trung bình mỗi năm toàn tỉnh sản xuất được 4-5,5 triệu cây giống các loại, trong đó: giống cây lấy gỗ khoảng 2,5 triệu cây/năm; cây dược liệu: khoảng 3 triệu cây/năm, phục vụ cho nhu cầu trồng rừng trong và ngoài tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về giống cây lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ về nguồn gốc giống theo quy định.
Công tác trồng rừng phòng hộ đầu nguồn luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, hằng năm, ưu tiên phân bổ ngân sách tỉnh để hỗ trợ đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng rừng đảm bảo theo tiêu chí rừng phòng hộ. Giai đoạn năm 2017-2022 toàn tỉnh trồng được: 128 ha rừng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ và nguồn vốn từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, vốn tự có của chủ rừng và nguồn vốn khác.
Trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác, nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn. Triển khai trồng hàng năm 750-800 ha rừng tập trung, từ 600.000 đến 800.000 cây phân tán, khoán bảo vệ rừng trên 3.000ha đạt kết quả. Trồng khảo nghiệm 22 mô hình trên địa bàn huyện, thành phố có rừng, từ đó nhân rộng mô hình cây gỗ lớn thay thế cây Bạch đàn truyền thống năng suất chất lượng thấp và làm thoái hóa giảm độ phì nhiêu của đất; giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt trên 103 tỷ đồng/năm (so sánh giá năm 2010) và tăng trưởng bình quân đạt 3,9%.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lực lượng Kiểm Lâm Vĩnh Phúc thường xuyên thực hiện là đẩy mạnh quản lý lâm sản và bảo đảm chấp hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hàng chục năm trở lại đây, việc phát triển nuôi sinh sản/sinh trưởng động vật hoang dã trở nên phổ biến, Chi cục Kiểm lâm và các Hạt kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn đăng ký trại nuôi, cấp giấy chứng nhận chăn nuôi động vật hoang dã quý hiếm và thông thường cho hàng nghìn hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện cho bà con nông dân yên tâm sản xuất .
Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động quản lý lâm sản và quản lý cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo, kịp thời và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Các vấn đề phát sinh được xử lý dứt điểm, các cơ sở chế biến gỗ cơ bản đã nắm bắt và chấp hành theo các quy định của nhà nước. Hằng năm xuất khẩu mặt hàng gỗ, gây nuôi động vật rừng có nguồn gốc hợp pháp (rắn hổ mang, dúi, cầy hương...) trên 120 tỷ đồng;
Kiểm lâm Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong đấu tranh ngăn ngừa nạn phá rừng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép. Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các lực lượng hữu quan đã nhiều lần ra quân tấn công truy quét lâm tặc, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Bắt giữ và xử lý nghiêm minh về hành chính, hình sự các đối tượng vi phạm. Kết quả: Kiểm lâm đã xử lý trên 5.266 vụ vi phạm, tịch thu trên 3.300 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách trên 12 tỷ đồng, đề nghị truy tố 35 vụ, có hình phạt cao nhất là tử hình, thấp nhất là 6 tháng tù cho hưởng án treo.
Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống về sản xuất, kinh doanh lâm sản. Vì vậy, lực lượng Kiểm lâm đã tích cực chủ động hướng dẫn, kiểm tra các chủ hộ kinh doanh nhằm thực hiện đúng quy định, đồng thời, phát hiện những hành vi vi phạm trong kinh doanh và tiếp tay cho các đối tượng phá rừng.
Đối với tài nguyên rừng, ngoài gỗ củi, đặc sản rừng còn có côn trùng rừng, động vật rừng. Bằng sự kiên trì vận động kết hợp với những biện pháp hành chính, Kiểm lâm Vĩnh Phúc đã chặn đứng nạn săn bắn, bẫy bắt động vật rừng, côn trùng rừng, thu hàng chục súng săn các loại, phá dỡ nhiều lều lán trái phép, chấm dứt việc phá rừng làm nương rẫy. Qua đây góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống người nông dân.
50 năm xây dựng và trưởng thành, Kiểm lâm Vĩnh Phúc đã đi qua một chặng đường dài với biết bao khó khăn, thử thách, nhưng cũng rất đỗi tự hào. Để giữ được rừng, giữ màu xanh cây lá cho hôm nay và mai sau, nhiều cán bộ kiểm lâm đã phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Thậm chí một số kiểm lâm viên đã trở thành thương binh, liệt sĩ...
Ghi nhận những thành tích trong suốt chiều dài 50 năm, Kiểm lâm Vĩnh Phúc đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh như: Huân chương Lao động hạng Ba cho Chi cục kiểm lâm (năm 2002), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2012) cho tập thể và Huân chương Lao động hạng Ba cho hai cá nhân (năm 2007, 2012), 02 cá nhân được tặng Huân chương dũng cảm trong thi hành nhiệm vụ; UBND tỉnh tặng 12 cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể, tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 58 cá nhân; Bộ Nông nghiệp & PTNT tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 37 cá nhân; Chính phủ tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 2 cá nhân.
Quyết tâm bảo vệ màu xanh cho rừng
Những thành tựu, kết quả đạt được của các thế hệ cán bộ lực lượng Kiểm Lâm Vĩnh Phúc trong suốt 50 năm qua là niềm vinh dự tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm để Kiểm Lâm Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Tin tưởng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo cùng niềm tự hào từ truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Kiểm lâm Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Qua đây, góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh hoàn thành mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển kinh tế xã hội bền vững./.
Đức Thiện