Vĩnh Phúc - một trong những biểu tượng cho ý chí khát vọng đổi mới và phát triển. Song hành cùng những thành tựu trong phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong phát triển văn hóa, tinh thần cho người dân.
Quan điểm “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh” trở thành tư tưởng xuyên suốt trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc. Phát triển kinh tế cũng nhằm mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, phát triển con người. Từ quan điểm này, Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Trong đó, nổi bật là Chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005; Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015; Nghị quyết 207 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 33 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội.
|
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong một lần kiểm tra công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp.
|
Đặc biệt, ngay trong tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát trên địa bàn tỉnh, để hỗ trợ kịp thời cho người dân, lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2022; Nghị quyết quy quy định một số chế độ chính sách hỗ trợ đặc thù phục vụ phòng, chống Covid-19 và quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp gộp mẫu áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp.
Cũng trong giai đoạn gian khó này, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên đi thăm, động viên các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, những nông dân, công nhân lao động- những đối tượng yếu thế, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Kiên quyết không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Cả hệ thống chính trị không quản ngày đêm, quyết liệt bám trụ, lấy an toàn tính mạng của Nhân dân là mục tiêu quan trọng nhất”.
|
Đô thị Vĩnh Phúc chỉnh trang chuẩn bị cho ngày hội 25 năm tái lập.
|
Sau 25 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều mặt, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của tỉnh nằm trong TOP đầu của cả nước, cao hơn so với mức bình quân chung của vùng đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,02% so với năm 2020, cao thứ 9 cả nước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,81%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,98%, riêng công nghiệp tăng 13,84%; khu vực dịch vụ tăng 2,96%; sản xuất phát triển, tăng trưởng đạt khá là điều cần để tạo ra tăng thu nhập cho người dân. Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1 bậc so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,27 triệu đồng/người, tăng 8,8 triệu đồng/người, tương đương tăng 8,30 % so với năm 2020.
Tuy nhiên, lại có một nghịch lý đó là theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc năm 2020 đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước. Điều này đặt ra bài toán cho Vĩnh Phúc là phải làm sao chuyển mọi thành quả phát triển kinh tế vào đời sống, nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và để cụ thể hóa tổ chức thực hiện UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 08/6/2020 giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai, thực hiện 73 nhiệm vụ cụ thể, trong đó xây dựng 37 cơ chế, chính sách, 11 chương trình và 25 đề án, đồ án với kỳ vọng đến hết năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt từ 80-85 triệu đồng/người, đến năm 2030 đạt khoảng 130-135 triệu đồng/người; tuổi thọ bình quân của người dân đạt 75 tuổi năm 2025 và đến năm 2030 đạt 76 tuổi.
Để đạt được kỳ vọng đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như khơi thông nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, huy động các nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương. Thường xuyên, liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu chỉ số PCI của tỉnh hằng năm thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Độ, TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: khơi thông nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao thu nhập cho người dân. nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội, tăng mức cung ứng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội để tăng mức hưởng thụ và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Với sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của nhân dân trong tỉnh, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay đã có một số chỉ tiêu đạt khá cao. Vì vậy, tôi tin rằng nhiệm vụ nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân tỉnh ta sẽ sớm đạt được như kỳ vọng của tỉnh đề ra".
Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu. Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, nhà ở, cấp, thoát nước, giao thông, công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Tổ chức lại mạng lưới giáo dục đủ khả năng bao phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận giáo dục đạt mức độ tối đa. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội, tăng mức cung ứng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội để tăng mức hưởng thụ và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho y tế, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân để đến năm 2025 có 94% dân số tham gia bảo hiểm y tế; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ chi phí sử dụng điện, nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già neo đơn; chính sách cung cấp nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn để đến năm 2025 phấn đấu có 70% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; khuyến khích sự tham gia của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nâng cao chất lượng môi trường sống tại các khu vực đô thị, khu vực nông thôn nhất là tại các khu vực làng nghề. Huy động các nguồn lực cho thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở phục vụ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của cộng đồng dân cư nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần cho Nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Lan Thanh, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên phấn khời chia sẻ: "Người dân chúng tôi rất vui mừng trước những thành tựu phát triển của tỉnh, từ đó lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình và quan tâm đời sống tinh thần cho người dân, chúng tôi rất ghi nhận sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền đã tổ chức kỳ lễ này có nhiều không gian để các cháu về quê cảm nhận được không khí vui tươi phấn khởi để các cháu có kỳ nghỉ ấn tượng".
|
Ngôi nhà khang trang của gia đình chị Nguyễn Thị Sâm, thôn Bắc Trại, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường được xây dựng từ nguồn hỗ trợ.
|
Triển khai Đề án và Nghị quyết về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn của tỉnh trong 5 năm tới, với trọng tâm là xây dựng đô thị Vĩnh Phúc xanh - sạch - đẹp - văn minh, hướng đến phát triển bền vững, hiện đại, có bản sắc và đồng bộ.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội; xử lý tốt ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò tự quản của Nhân dân; khôi phục, nâng cấp các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng địa phương. Nâng cao một cách rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội. Rà soát và có các giải pháp cụ thể để giảm nghèo bền vững, xây dựng xã hội bình đẳng, bảo đảm Vĩnh Phúc là một trong các tỉnh đi đầu cả nước trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
Thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án hỗ trợ hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định 743 của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết trên 1500 nhà ở cho hộ nghèo với số tiền trên 61 tỷ đồng.
Với mục tiêu cao nhất là phát triển vì hạnh phúc con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, Vĩnh Phúc đang dần hiện thức hóa khát vọng đối mởi và phát triển, để "Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta" như lời Bác Hồ đã căn dặn khi về thăm Vĩnh Phúc./.
Kim Liên