Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, trong những năm qua, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn đặc biệt chú trọng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ngày 01/8/2013, Bộ Công an và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã ký kết Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, gắn bó giữa lực lượng Công an với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác phòng ngừa tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
10 năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 09 ở tỉnh Vĩnh Phúc đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Lực lượng Công an, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều biện pháp, hình thức phù hợp để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp.
Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mở 12 lớp với 1.350 người là Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, đại diện các tổ chức thành viên của MTTQ nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cách thức triển khai Đề án của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Công an tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho hơn 1.000 cán bộ MTTQ ở cơ sở; tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho cán bộ làm công tác MTTQ.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức thành viên, hướng dẫn việc lồng ghép triển khai nội dung Chương trình phối hợp số 09 với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng các nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đặc biệt là chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Nhóm nòng cốt” trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tham gia tích cực vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm với phương châm “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”.
Hội Cựu Chiến binh thành lập hàng trăm tổ nắm thông tin về đảm bảo ANTT tại địa phương, xây dựng các mô hình (1+2), (1+3)… tức là một gia đình hội viên Cựu chiến binh với 2, 3 hộ liền kề làm điểm tựa về giúp nhau đảm bảo ANTT.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức phòng, chống tội phạm, TNXH, mại dâm, ma túy; hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên phụ nữ; nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc…
Tỉnh Đoàn thực hiện Chương trình hành động Thanh niên xung kích giữ gìn ANTT; thực hiện cuộc vận động “Ba không với ma túy”; phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh thành lập “Đường dây nóng” hỗ trợ, tư vấn pháp luật; chỉ đạo thành lập Tổ thông tin nắm bắt tình hình dư luận xã hội để nắm bắt, đánh giá kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên để chủ động tham mưu và tham gia xử lý các vấn đề liên quan ANTT; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên thu hút hàng nghìn đoàn viên tham gia.
Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong hệ thống công đoàn về xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, đơn vị an toàn về ANTT; phối hợp với Công an tỉnh tham mưu các chủ doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ, chính sách với công nhân, người lao động để ổn định tình hình, phòng ngừa đình công, lãn công.
Hội Nông dân tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; duy trì hoạt động 21 mô hình Hội Nông dân tự quản phòng, chống tội phạm và nông thôn Sáng - Xanh - Đẹp. Hội Người cao tuổi tỉnh triển khai phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, giáo dục con cháu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ trong gia đình.
Lực lượng Công an, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn trọng điểm, vùng tập trung đồng bào dân tộc, tôn giáo, các khu công nghiệp; phát huy vai trò của người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền vận động Nhân dân hiểu và đấu tranh với các hoạt động chống chính quyền, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo của Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng ngừa tội phạm.
Hiện nay, lực lượng Công an đã xây dựng, duy trì 19 mô hình ở hơn 12.000 địa bàn, là những cánh tay nối dài trong công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở. Điển hình như: Mô hình “Công an thị trấn Bá Hiến thân thiện”, mô hình “Liên kết đảm bảo ANTT” giữa UBND thị trấn Tam Đảo với Hội Du lịch Tam Đảo và các doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Tam Đảo, mô hình “4 an toàn” trong cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường được Bộ Công an thông báo kinh nghiệm toàn quốc; Mô hình Tự quản về an ninh, trật tự xã Cao Phong, huyện Sông Lô; mô hình Tổ liên gia tự quản xã An Tường, huyện Vĩnh Tường; ...
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, Công an tỉnh đã xác định những vấn đề phức tạp, nổi lên về ANTT ở từng địa điểm để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉđạo xây dựng và triển khai thực hiện các đềán, phương án, kế hoạch, biện pháp giải quyết kịp thời. Điển hình là Đề án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trộm cắp động vật nuôi; Đề án phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép; Đề án đấu tranh, ngăn chặn với các hoạt động xây dựng, lấn chiếm, tạo lập tài sản trái phép trên đất đã được quy hoạch, giải phóng mặt bằng...
Các kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các nhóm, đối tượng là tiền đề hình thành ổ nhóm tội phạm hình sự; kế hoạch đấu tranh với tội phạm lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ hoạt động phạm tội... Các phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT các sự kiện lớn, trọng tâm là đợt cao điểm đảm bảo ANTT, an toàn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; các hoạt động kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh; các sự kiện chính trị, xã hội của đất nước, của tỉnh…
Trong 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” đã khơi dậy sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Quần chúng Nhân dân đã cung cấp gần 26.000 nguồn tin tố giác tội phạm, trong đó có gần 60% nguồn tin có giá trị giúp lực lượng Công an điều tra, bắt giữ tội phạm.
Hiệu quả của chương trình phối hợp đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, là yếu tố quan trọng xây dựng thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh./.
Tuyết Minh