Mạng xã hội phát triển mạnh mẽ là cơ hội mỗi người cập nhật tin tức, kiến thức phong phú từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là công cụ để các đối tượng phản động đăng tải thông tin xấu, độc tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm tình hình, phát hiện “từ sớm, từ xa” các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh trật tự trên không gian mạng, không để phát sinh “điểm nóng”.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc liên quan đến lịch sử, chính trị, các sự kiện văn hóa, xã hội, từ đó làm cho Nhân dân hoang mang, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng. Trên thực tế, không ít người vì bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc đã có cái nhìn sai lệch về lịch sử cũng như kết quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội facebook thời gian qua cũng xuất hiện nhiều trường hợp đăng tải các video, hình ảnh bạo lực học đường, xúc phạm danh dự người khác, báo chốt giao thông, quảng cáo cờ bạc trực tuyến, kích động người dân phản đối thực hiện một số dự án… tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình ANTT. Từ đầu năm 2025 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 5,5 triệu đồng đối với 3 trường hợp đăng tải thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Hiện nay, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội mới như Snapchat, Telegram, Tiktok,...vv, có tính bảo mật cao, tính nhân bản rộng khiến lượng thông tin xấu, độc lan tỏa nhanh; các đối tượng cũng sử dụng những công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) để tán phát thông tin xấu độc.
Cùng với đó, vì được đăng tải có chủ ý nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, việc lan truyền thông tin xấu, độc thường rất tinh vi, bên cạnh một số thông tin xấu, độc hoàn toàn bịa đặt, một số lại lẫn lộn giữa nội dung có thật và nội dung bịa đặt, xuyên tạc… nhằm đánh lừa người tiếp nhận thông tin. Vì vậy, để phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, mỗi người cần tự trang bị cho mình kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc.
Đối với các tài khoản thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc, người dùng mạng xã hội cần thực hiện thao tác báo xấu, chặn, lọc, xóa… để ngăn chặn, hạn chế việc các thông tin xấu độc lan truyền dễ dàng. Bên cạnh việc phòng ngừa thông tin xấu, độc, mỗi cá nhân cũng cần có trách nhiệm lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực để góp phần nhân rộng những điều tích cực trong cộng đồng.
Bích Hằng