Ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Vĩnh Phúc đã phải đối mặt ngay với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đến tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt là phải đối mặt trực tiếp với đại dịch Covid- 19 khi tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương khởi phát đầu tiên những ca dương tính với SARS-CoV-2 trong 2 lần bùng phát dịch Covid-19 của Việt Nam. Lửa thừa vàng, gian nan thử sức, nối tiếp truyền thống của nhiệm kỳ trước, với quyết tâm chính trị cao nhất và tinh thần "đổi mới, sáng tạo, quyết liệt”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã nêu cao đoàn kết thống nhất, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện khát vọng xây dựng quê hương Vĩnh Phúc giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; luôn kiên định các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều dấn ấn quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đảng bộ tỉnh đã tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng thời triển khai có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy với trọng tâm: xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ và kiểm tra giám sát.
Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng và thực sự trở thành khâu đột phá được xác định trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Vĩnh Phúc là địa phương tiên phong đổi mới công tác cán bộ bằng chủ trương giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Với cách làm khoa học, tư duy sáng tạo, việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đã cho thấy những hiệu quả tích cực, nhiều điểm nghẽn, tồn tại gây bức xức dư luận trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ như giải phóng mặt bằng, vi phạm đất đai được xử lý dứt điểm, nhiều nguồn lực được giải phóng phục vụ sự phát triển của tỉnh.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã triển khai thực hiện tốt mục tiêu bố trí Bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương, qua đó khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, tình trạng cục bộ địa phương, phát huy tính sáng tạo, năng động, chủ động và tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Đến thời điểm này, trên 80% đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Thành ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh không là người địa phương. Dự kiến năm 2024, tất cả bí thư các huyện, thành phố không là người địa phương. Trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng việc sử dụng, bố trí cán theo đúng năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thể hiện sự quan tâm đặc biệt với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Đảng bộ tỉnh đã tập trung đầu tư để xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn theo Quyết định số 11 của Ban Bí thư và là Trường Chính trị cấp tỉnh thứ 3 toàn quốc đã được công nhận chuẩn mức 1 với nhiều tiêu chí vượt chuẩn và sát với chuẩn mức 2.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của Đảng bộ tỉnh trong nửa nhiệm kỳ có nhiều đổi mới với số lượng kiểm tra, giám sát nhiều nhất từ trước tới nay. Qua kiểm tra, giám sát nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Chi bộ Công ty TNHH Compal Việt Nam, một doanh nghiệp FDI đóng tại KCN Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc mới được thành lập từ đầu năm 2023 với 13 đảng viên. Chi bộ Đảng Công ty đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo đảng viên. Mỗi đảng viên là người lao động có khát vọng cống hiến, gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ ở Tổ, đội sản xuất, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều năm qua, việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp là việc rất khó, đặc biệt là phát triển đảng trong doanh nghiệp FDI, song với cách làm sáng tạo, khoa học, bài bản, chỉ trong nửa nhiệm kỳ,Vĩnh Phúc đã phát triển được tổ chức Đảng trong 60 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trong đó 6 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp FDI. Phát triển Đảng trong học sinh sinh viên được quan tâm chú trọng với việc ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường phát triển đảng trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Trong nửa nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt mức 4/4 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó, kết nạp được gần 4.700 đảng viên; số Đảng viên được kết nạp hàng năm vượt mục tiêu 17,4%, tỷ lệ chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm vượt 13%.
Với tinh thần " đổi mới, sáng tạo, quyết liệt”, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh là một tập thể đoàn kết, trí tuệ, đồng lòng, nhất trí cao. Nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đương đầu với khó khăn, thách thức, gương mẫu trong đạo đức, lối sống, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng bộ và các cấp chính quyền của tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, đúng quy chế làm việc; cấp trên tôn trọng, lắng nghe ý kiến cấp dưới và tạo điều kiện thuận lợi cho cấp dưới làm việc. Cấp dưới chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phát huy vai trò trách nhiệm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống chính trị vận hành đồng bộ, nhất quán, đoàn kết theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.
Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh được đổi mới là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Tinh thần đổi mới, quyết liệt, sáng tạo được phát huy cao độ, góp phần vào thành công của Vĩnh Phúc trong cuộc chiến với đại dịch Covid- 19, luôn đi đầu cả nước khống chế được dịch bệnh với nhiều chủ trương chính sách mới, chưa có tiền lệ được ban hành để vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ đà tăng trưởng, không ngừng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân với nhiều thành tựu quan trọng.
Dự kiến hết năm 2023, 13/25 chỉ tiêu KTXH đạt và vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 – 2022 đạt 8,8%, nằm trong số 10 tỉnh tăng trưởng cao nhất cả nước, đạt mục tiêu Đại hội, trong đó riêng năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Vĩnh Phúc phục hồi ấn tượng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,54% và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.
Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 93,15%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 6,85%. Thu ngân sách Nhà nước tiếp tục tăng cao và lập dấu mốc mới với trên 40.000 tỷ đồng năm 2022, trong đó thu nội địa đạt hơn 33.600 tỷ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước.
Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh phục vụ đời sống Nhân Dân được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cầu Đầm Vạc; một số công trình đã được khởi công và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành như: Cầu Vĩnh Phú, Cầu vượt đường sắt, Đài PT-TH tỉnh. Quy hoạch xây dựng đô thị Vĩnh Phúc và các đô thị trực thuộc tỉnh được đẩy mạnh.
Lĩnh vực thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng của cả nước, trong đó Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp thân thiện với môi trường. Nửa nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã thu hút được gần 2 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tổng vốn đầu tư từ các dự án DDI đạt trên 45.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần mục tiêu Đại hội.
Lĩnh vực Du lịch có nhiều dấu ấn trong nửa nhiệm kỳ, trong đó Vĩnh Phúc đã tập trung phát triển ngành du lịch vượt qua khó khăn của đại dịch, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, đồng thời quan tâm gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương mại, du lịch. Thị trấn Tam Ðảo được Tổ chức World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) công nhận là Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới, Khu du lịch Tam Ðảo được công nhận là Khu du lịch quốc gia thứ 7 của Việt Nam. Khu danh thắng Tây Thiên, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf tại Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của Vĩnh Phúc luôn trong 10 địa phương đứng đầu cả nước. Nhiều năm liên tục, tỉnh có học sinh đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Cơ sở vật chất cho giáo dục được đầu tư lớn, cùng với nhiều chế độ đãi ngộ cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Nhiều công trình y tế, giáo dục trọng điểm đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt cả trong và sau dịch Covid-19. An ninh quốc phòng được củng cố, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn 0,7%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội.
Quan điểm “mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh” trở thành tư tưởng xuyên suốt trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Vĩnh Phúc. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc thay đổi mạnh mẽ. Các huyện, thành phố cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tất cả các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 88 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Vĩnh Phúc đang triển khai quyết liệt sáng kiến xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, phấn đấu đến năm 2025 có 60 thôn, tổ dân phố thuộc 9 huyện, thành phố hoàn thành Bộ tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Các làng văn hóa kiểu mẫu mang màu sắc của Vĩnh Phúc sẽ có cơ sở hạ tầng hiện đại, kinh tế phát triển, cảnh quan đẹp đẽ, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, thật sự trở thành nơi đáng sống ở các miền quê.
Với kết quả trên, các chỉ số đo lường tinh thần phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp của Vĩnh Phúc tăng cao so với những năm trước. Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 7 toàn quốc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 8 và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) xếp thứ 9 trong số 63 tỉnh, thành phố.
Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Vĩnh Phúc sẽ phải vượt qua khó khăn, thách thức. Tỉnh sẽ tập trung cao độ thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân, phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc hoàn thành ở mức cao các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng Ðảng, phát triển KT-XH, trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước./.
Ngọc Anh