Cập nhật: 30/06/2023 09:37:00
Xem cỡ chữ

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Năm nay, tháng hành động vì an toàn thực phẩm có chủ đề: “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Tháng hành động đã kết thúc, song qua công tác thanh tra, kiểm tra vấn đề vệ sinh ATTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác đảm bảo ATTP cần tiếp tục được quan tâm, triển khai quyết liệt, nhằm góp phần hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Thực hiện Chỉ thị số 17/2022 của Ban Bí thư về việc tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế. Các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP và công tác thanh, kiểm tra được triển khai đồng loạt.

Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Riêng Tháng hành động vì ATTP năm 2023, tỉnh đã thành lập 149 đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP tại 1.155 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Riêng đoàn kiểm tra liên ngành số 3 do Sở Công Thương chủ trì đã kiểm tra 27 cơ sở trên địa bàn 3 huyện Tam Đảo, Tam Dương và huyện Vĩnh Tường.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông về tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nhằm kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành. Và điều quan trọng hơn nữa nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa ngay từ cơ sở; chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 1700 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khoảng 600 bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các trường học. Bếp ăn tập thể là nơi chế biến, phục vụ suất ăn cho nhiều người tại chỗ hoặc cung cấp đi nơi khác. Bởi vậy việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các đơn vị này luôn được đặc biệt quan tâm.

Qua kiểm tra cho thấy, việc cung cấp suất ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh rất phổ biến, đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau như: tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do các đơn vị khác cung cấp hoặc hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn.

Thời gian qua, nhiều đơn vị đã trú trọng việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trú trọng đến chất lượng từng bữa ăn. Các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể nhìn chung đã chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, để hưởng ứng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra liên ngành số 3 đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.

Có thể thấy rằng vệ sinh an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Chính vì vậy, công tác này luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng, quan tâm duy trì thực hiện thường xuyên, không chỉ trong tháng hành động.

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng được dư luận cũng như người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Bởi những nguy cơ mất an toàn thực phẩm đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường. Hy vọng rằng thông qua tháng hành động về vệ sinh ATTP, ý thức về công tác vệ sinh ATTP sẽ được nâng cao, các hệ thống chợ, cửa hàng tiện lợi ở khu vực nông thôn sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng đảm bảo vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó phát huy được ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm./.

Thùy Chung