Cập nhật: 11/07/2023 13:49:00
Xem cỡ chữ

“Duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực là nền tảng để biến ASEAN thành Tâm điểm Tăng trưởng. ASEAN cần phải giữ cho Đông Nam Á là một khu vực không có vũ khí hạt nhân”.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Masurdi đưa ra tại phiên khai mạc Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị.

amm56 asean quyet tam thuc day khu vuc Dong nam A khong co vu khi hat nhan hinh anh 1

Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.

Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và phiên Đối thoại với các đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) là hoạt động đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị AMM-56 và các Hội nghị liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi nhấn mạnh nguy cơ của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, với việc thường xuyên có cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên ASEAN sẽ không thể thực sự an toàn nếu có vũ khí hạt nhân trong khu vực, vì không có vũ khí nào hủy diệt và nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân, với những tính toán sai lầm có thể dẫn tới thảm họa.

“Việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực là ưu tiên hàng đầu. Đó là nền tảng để biến khu vực thành Tâm điểm tăng trưởng. ASEAN cần phải giữ cho Đông Nam Á là một khu vực không có vũ khí hạt nhân”.

Bộ trưởng Retno nhấn mạnh, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân  ký kết  năm 1995 trở thành một trong những văn kiện nền tảng của ASEAN. Hiệp ước này đóng góp cho nỗ lực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Tuy nhiên, 25 năm sau khi ký kết Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ, không có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào ký kết Nghị định thư. Bà Retno khẳng định: “Đối với Indonesia, tiến về phía trước là lựa chọn duy nhất. Có những nguy cơ rất hiện hữu và không thể chờ đợi thêm. ASEAN phải là mặt trận thống nhất trước các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Chỉ khi đó, ASEAN mới có thể tạo ra một con đường rõ ràng hơn hướng tới một khu vực không có vũ khí hạt nhân”.

Theo Trưởng SOM ASEAN, Đại sứ Vũ Hồ, cam kết của các nước có vũ khí hạt nhân đối với khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân cũng được thực hiện dựa trên một số điểm.

“Điểm thứ nhất là sự đồng thuận của ASEAN, của tất cả các bên tham gia, trước hết là đồng thuận ASEAN và sau đó là giữa ASEAN với 5 nước có vũ khí hạt nhân. Cái thứ hai là sự hợp tình và hợp lý. Sự hợp lý trước hết là quá trình tham gia này phải thực hiện dựa trên sự tự nguyện và không có bảo lưu đối với các điều khoản của Hiệp ước. Và cuối cùng quy trình tham gia cũng phải được tiến hành theo đúng thủ tục, quy định của ASEAN cũng như luật pháp quốc tế để bảo đảm hiệu quả và hiệu lực của Hiệp ước, không chỉ đối với 10 nước tham gia mà kể cả những nước ở bên ngoài khu vực. Hiệp ước vẫn là điểm trung tâm và ASEAN vẫn là điểm trung tâm trong tất cả các quá trình này”.

Trong khuôn khổ Hội nghị AMM56, Phiên toàn thể hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 chính thức khai mạc vào chiều nay với nhiều nội dung quan trọng trong hợp tác nội khối cũng như giữa ASEAN với các đối tác.

Theo Phạm Hà, Võ Giang/VOV-Jakarta - 11/07/2023

https://vov.vn/the-gioi/amm56-asean-quyet-tam-thuc-day-khu-vuc-dong-nam-a-khong-co-vu-khi-hat-nhan-post1031867.vov