Cập nhật: 26/07/2023 09:15:00
Xem cỡ chữ

Chiến tranh đã qua đi nhưng những nỗi đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại vô cùng to lớn và không gì có thể bù đắp được. Biết bao lớp thế hệ cha anh ngã xuống vì nền độc lập hòa bình cho tổ quốc, những người con anh hùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã ra đi mãi mãi để lại bao nỗi trăn trở cho những người mẹ, người vợ, người con, những người còn ở lại.

Những dòng thư cuối, cùng lời tạm biệt nhưng chẳng nghĩ đây là những dòng thư cuối cùng bà Nguyễn Thị Tú, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương nhận được trước khi chồng bà là liệt sĩ Trần Kim Vũ đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến đấu tại chiến trường ở Campuchia.

Nghe tin chồng mất khi vừa sinh con thứ 2 được 3 tháng, tuổi đời còn rất trẻ, có lẽ chẳng nỗi đau nào đau hơn thế. Ấy vậy mà người phụ nữ này vẫn kiên cường ở vậy, nuôi hai con trưởng thành và những lúc nhớ chồng, bà chỉ còn biết nương tựa vào những lá thư mà ông để lại.

Chị gái lên 2 tuổi, còn anh Trần Kim Việt khi đó mới 3 tháng tuổi thì bố mất, vì thế, anh chưa từng có kí ức nào về bố mà chỉ được biết qua những kỷ vật và qua lời kể của mẹ. 40 năm trôi qua, những thiệt thòi hay thiếu thốn tình cảm cũng nhờ thời gian mà dần nguôi ngoai, anh Việt và chị gái giờ đây đều đã trở thành những người có ích cho xã hội khi công tác trong ngành Giáo dục và ngành Y tế, trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ, và khi nhắc đến bố là nhắc tới sự “tự hào”.

Ngày 27/7 hằng năm, nhiều gia đình người có công như gia đình anh Việt vẫn đang nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các cấp, các ngành. Và với anh Việt, đơn vị nơi anh công tác - Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc - đã dành nhiều phần quà cùng sự thăm hỏi động viên bày tỏ tri ân, lòng biết ơn sâu sắc tới gia đình. Điều này cũng phần nào giúp anh có thêm động lực để nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên trong cuộc sống./.

Phương Anh