Cập nhật: 07/08/2023 09:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, mô hình nuôi cá trê thương phẩm đang dần phổ biến ở nhiều địa phương, sức cạnh tranh thị trường ngày một tăng cao. Vì vậy, người chăn nuôi cần được tiếp cận với những kĩ thuật nuôi cá trê thương phẩm bài bản hơn, để đạt được hiệu quả kinh tế tốt nhất, đem lại nguồn lợi nhuận cao.

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trê đồng thương phẩm trong ao đất

1. Chuẩn bị ao nuôi

Diện tích ao nuôi cá trê vàng thích hợp từ 500 - 2.000m2. Mực nước dao động từ 1,2 - 1,8m. Ao nuôi bố trí gần nguồn nước cấp, chủ động được khâu cấp, thoát nước. Đáy ao ít bùn, bờ ao vững chắc. Cải tạo ao nuôi bằng cách tát cạn ao, diệt hết cá tạp, bón vôi 10kg/100m2. Phơi đáy ao từ 3-4 ngày, sau đó cấp nước vào qua lưới lọc.

2. Chọn và thả giống

Cá giống thả nuôi phải đồng đều, kích cỡ con giống từ 5 – 10cm (mẫu 100 – 200 con/kg), cá giống không bị xây xát, dị hình. Mật độ thả từ 30 – 40 con/m2. Nên thả cá vào lúc trời mát. Trước khi thả cá cần tắm cá bằng nước muối với liều lượng từ 3-5gam muối ăn/lít nước hoặc dùng Iodine để xử lý con giống sau khi thả vào môi trường ao nuôi.

3. Thức ăn

Trong quá trình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Hàm lượng chất đạm cần thiết để duy trì cá phát triển tốt ở tháng thứ 1-3 là từ 30-40%, tháng thứ 4-5 là 28 - 30%.

- Khẩu phần ăn:

Khẩu phần ăn của cá trê vàng từ giai đoạn giống (100- 200con/kg) đến cá thương phẩm khẩu phần ăn ban đầu là 5% và giảm dần đến 2% tổng trọng lượng đàn cá.

- Cách cho ăn:

+ Giai đoạn cá dưới 1 tháng nuôi: Cho cá ăn 3 lần/ngày (sáng 6-7 giờ, trưa 10-11 giờ, chiều 17-18 giờ), khẩu phần ăn từ 4-5% tổng trọng lượng đàn cá.

+ Giai đoạn cá 2-3 tháng nuôi: Cho cá ăn 2 lần/ngày (sáng 6-7 giờ, chiều 17-18 giờ), khẩu phần ăn 3-4% tổng trọng lượng đàn cá.

+ Giai đoạn cá từ 3 - 5 tháng tuổi: Cho cá ăn 2 lần/ngày (sáng 6-7 giờ, chiều 17-18 giờ), khẩu phần ăn 2-3% tổng trọng lượng đàn cá

Lượng thức ăn điều chỉnh theo hoạt động bắt mồi, tình trạng sức khỏe và môi trường nước để tránh tình trạng dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nguồn nước.

4. Chăm sóc và quản lý ao nuôi

Cần duy trì mực nước ao nuôi ổn định trong suốt vụ nuôi.

Định kỳ thay nước từ 10-15 ngày/lần, mỗi lần thay 1/3 nước trong ao.

Thường xuyên kiểm tra bờ, rào chắn cẩn thận để phòng sự thất thoát cá nuôi, nhất là vào mùa mưa lũ.

Theo dõi hoạt động của cá hằng ngày, điều chỉnh lượng thức ăn sao cho vừa đủ, không thừa cũng không thiếu. Định kỳ 2 lần/ tuần trộn thêm Vitamine C (từ 60 – 100 mg/kg thức ăn) và chất khoáng vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cũng như giúp cá tăng trưởng tốt hơn.

5. Phòng bệnh cho cá

- Ao nuôi phải được cải tạo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả giống.

- Chọn cá giống khỏe mạnh, đồng đều, không bị sây sát.

- Theo dõi việc cho ăn và điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng không bị ẩm mốc.

- Theo dõi hoạt động bơi lội và tập tính ăn của cá để sớm phát hiện bệnh.

- Định kỳ 10-15 ngày bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa (mỗi loại 3-5 g/kg thức ăn) vào thức ăn cho cá, cho cá ăn liên tục 3 ngày.

- Trong giai đoạn nuôi ao định kỳ 1 tháng trộn tỏi vào thức ăn với liều lượng 4-5g/kg thức ăn (tỏi được giã nhuyễn vắt lấy nước trộn vào thức ăn), cho ăn liên tục 3-5 ngày để phòng bệnh đường ruột cho cá.

6. Thu hoạch

Sau thời gian 5 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 200-250g/con (cỡ mẫu 4-5 con/kg) thì tiến hành thu hoạch, trong quá trình thu hoạch thì cần thu và vận chuyển cá nhẹ nhàng tránh làm cho cá bị xây xát để bán được giá cao cũng đồng thời giảm thất thoát sau khi thu./.

Lê Dũng