Thời gian qua, Đảng bộ xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của các ngành, đoàn thể. Cách làm này đã góp phần khích lệ cán bộ, đoàn viên, hội viên khắc phục khó khăn, đổi mới tư duy, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Trong rất nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, những điển hình tiên tiến phải kể đến hộ ông Bùi Văn Sỹ, thôn Hữu Phúc.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Phải tự lực cánh sinh là chính, việc giúp đỡ là phụ”; hội viên nông dân Bùi Văn Sỹ, Thôn Hữu Phúc, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hội viên về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đóng góp tích cực vào các phong trào của địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ông Bùi Văn Sỹ luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Gia đình ông đã trải qua rất nhiều ngành nghề, không ngừng tìm hiểu, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy điều kiện thuận lợi của gia đình nằm trên trục đường quốc lộ 2C từ Vĩnh Phúc đi Tuyên Quang rất thuận tiện cho giao thông và phát triển kinh tế, năm 2011 gia đình ông Bùi Văn Sỹ đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh dịch vụ vật liệu xây dựng. Đây là mô hình khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên của ông trong những năm đầu tìm tòi phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình. Đại lý của gia đình đã cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình trên địa bàn xã và các xã lân cận bao gồm các mặt hàng như : xi măng, sắt, thép, gạch xây dựng và các nguyên vật liệu trong xây dựng…Từ mô hình kinh doanh này đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng; mỗi năm tiêu thụ hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng cho doanh thu trừ chi phí đạt 800.000.000đ/năm.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của huyện Lập Thạch về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Bùi Văn Sỹ tiếp tục tự tìm tòi, nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương. Năm 2014, đi tham quan một số mô hình trồng cây dược liệu, trong đó có mô hình trồng cây ba kích trên đất đồi ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo. Nhận thấy mô hình sản xuất trên vùng đất khó canh tác mà đem lại hiệu quả kinh tế cao đã khiến ông Sỹ nhen nhóm suy nghĩ đưa cây ba kích về trồng tại xã Bắc Bình. Sau một thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng, tháng 4/2015, ông bàn với gia đình mua lại khu vườn đồi trồng vải cằn cỗi, kém hiệu quả của người dân địa phương và cải tạo lại trồng cây ba kích tím với diện tích khoảng 1.000m2. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên số lượng ba kích bị hỏng khoảng 30%. Tuy nhiên, bản thân ông Sỹ không từ bỏ, tiếp tục vừa làm vừa tích lũy, học hỏi từ những gia đình trồng ba kích tím có hiệu quả ở các vùng lân cận; đồng thời nghiên cứu, tham khảo tài liệu để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào cây trồng. Sau 2 năm, việc ươm trồng của gia đình mới bắt đầu hiệu quả. Ngoài thu nhập từ bán cây giống được hơn 100 triệu đồng, lứa ba kích trồng đầu tiên của gia đình ông cho thu hoạch củ với giá 150.000 đồng/kg.
Hiện nay, gia đình ông Bùi Văn Sỹ có trang trại với diện tích đất 8,3ha, trong đó 06 ha trồng cây lâm nghiệp, hơn 02ha trồng cây dược liệu (cây ba kích). Trong 5 năm vừa qua, gia đình ông Sỹ đã tập trung ươm trồng giống cây dược liệu ba kích tím để cung cấp ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Tuyên Quang. Với mô hình trồng cây dược liệu ba kích, gia đình ông Sỹ đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, tạo công ăn việc làm thời vụ cho từ 12- 15 người với 250.000đ/buổi.
Hiện nay, toàn bộ diện tích cây ba kích tím của gia đình ông Sỹ được trồng theo tiêu chuẩn thực hành trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) và được Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam ký kết bao tiêu đầu ra. Để đầu ra được đảm bảo, gia đình ông Sỹ chia diện tích trồng ba kích thành nhiều lô, mỗi lô một độ tuổi khác nhau. Hàng năm, mô hình trồng cây dược liệu cho thu nhập từ cây giống đạt trên 500 triệu đồng/năm; thu nhập từ bán củ dược liệu đạt trên 800 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Sau bước đầu thành công, ông Bùi Văn Sỹ đã tích cực vận động các hộ dân trong thôn, xã cùng thực hiện mô hình trồng cây dược liệu ba kích. Để khuyến khích các hộ dân, gia đình ông Sỹ đã ủng hộ hơn 3 vạn cây giống cho các hộ trị giá 40,8 triệu đồng và hỗ trợ các hộ dân về kỹ thuật, kinh nghiệm để chăm sóc cây dược liệu. Hiện nay, mô hình trồng cây dược liệu ba kích trên địa bàn xã Bắc Bình có 44 hộ dân cùng làm theo để phát triển kinh tế với diện tích 8,8ha; trong đó có mô hình của vợ chồng anh Vũ Nguyên Ngọc, chị Trần Thị Thu Kiên trồng 1ha với 28.000 gốc từ cuối năm 2022.
Bên cạnh phát triển mô hình trồng cây dược liệu, năm 2021, nhận thấy các khu, cụm công nghiệp mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân nông thôn nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, nhiều lao động của địa phương vẫn thiếu việc làm trong lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước về bao bì BGF khá thiếu, ông Bùi Văn Sỹ bèn cất công đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tương tự để tìm hiểu quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm mô hình hiệu quả nhất để áp dụng. Sau đó, gia đình ông đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất gia công sản phẩm bao bì BGF cho Công ty Sung Lim Vina xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Hàng năm, xưởng sản xuất bao bì của gia đình ông Sỹ đã tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 7.000.000đ/người/tháng.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế giỏi, gia đình hội viên nông dân Bùi Văn Sỹ luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia đóng góp đầy đủ các loại thuế cho nhà nước; tích cực tham gia đóng góp các quỹ do địa phương vận động; ủng hộ xây dựng nông thôn mới, trại hè cho thiếu niên… Trong năm 2022, hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình ông Sỹ đã tự xây bồn và trồng hoa hai bên đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 30m đường hoa. Đồng thời, vận động gia đình, người dân trong thôn cùng hưởng ứng xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như tập trung phát triển kinh tế làm giàu chính đáng, tham gia tích cực phong trào vệ sinh môi trường, trồng hoa cây cảnh, tạo không gian sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Với tinh thần vượt khó, cần cù lao động, sáng tạo, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ, hội viên nông dân Bùi Văn Sỹ xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” để các hội viên nông dân học tập, noi theo và xứng đáng được các cấp, các ngành đề xuất khen thưởng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung./.
Thúy Hơn